khuvuonmolly@gmail.com
/
Địa chỉ :
Số điện thoại liên hệ:

Vì đâu những vấn đề luôn xuất hiện trong cuộc sống của bạn? Và làm sao để hạn chế chúng?

Author Avatar

CELLO

author

Mỗi ngày trôi qua, con người luôn phải đương đầu với rất nhiều vấn đề mà chẳng biết vì sao lại có những vấn đề ấy, nguồn gốc thực sự của chúng là gì. Để rồi họ mòn mỏi đi tìm kiếm giải pháp và cố gắng thoát khỏi những vấn đề.

Vấn đề được tạo ra như thế nào?

  • Thực tế không phải là vấn đề

Luôn có những thực tế tồn tại. Chúng hình thành trong tâm trí của chúng ta. Có thể bạn cảm thấy ganh tị với một ai đó. Cũng có thể bạn có ham muốn tình dục cao. Bạn tức giận. Bạn khó ngủ. Bạn lười biếng. Hoặc là bạn có khát khao cháy bỏng nhưng vẫn chưa thành công. Tất cả đều là những thực tế đang tồn tại và diễn ra xung quanh ta mỗi ngày. Nhưng chúng chưa bao giờ là vấn đề gây rối cho cuộc sống của bất kỳ ai. Vậy thì điều gì mới thật sự là vấn đề và gây rối cho cuộc sống của bạn?

vấn đề xuất hiện vì đâu
  • Khi thực tế bị tấn công, vấn đề sẽ được tạo ra

Khi bạn cảm thấy mình ganh tị, tức giận hoặc ham muốn. Đó là một thực tế. Khi bạn bắt đầu đánh giá và phán xét những thực tế ấy, bạn bắt đầu tạo ra vấn đề cho mình. Bạn đánh giá mình là một con người thật tệ “tại sao lại ganh tị với người khác cơ chứ, mày phải ngưỡng mộ người ta đi kìa, mày thật xấu tính”. Khi tức giận, bạn trách móc mình “sao lại tức giận, sao lại làm quá lên như thế, tại sao lại không thể kiểm soát bản thân mình, tại sao không thể bình tĩnh, tại sao lại dễ kích động như vậy”.

Bạn lên án những ham muốn của mình “mày thật tham lam”. Bạn đánh giá  những suy nghĩ của mình “này là suy nghĩ tốt, còn kia là suy nghĩ xấu”. Bạn so sánh mình với những người khác “họ có gia đình hạnh phúc còn mày thì không”, “họ bằng tuổi mày nhưng đã thành công rồi kìa”. Bạn nhận xét bản thân mình bằng nhiều từ ngữ thô thiển “mày thật tệ”, “mày không đáng được yêu”, “mày đáng chết”, “mày chỉ có thể thất bại mà thôi”. Hàng vạn những phán xét liên tục được thiết lập để tấn công những thực tế và tấn công chính bạn.

  • Sự bận rộn của tâm trí với một thực tế nào đó chính là nguồn cơn của vấn đề

Khi một thực tế tồn tại, bạn sẽ không để chúng yên. Bạn bận rộn với việc so sánh, đánh giá, phân tích, lên án và chỉ trích chúng. Bạn làm phức tạp hóa chúng lên và tạo ra vấn đề cho mình: Làm sao để giải quyết chúng, thoát khỏi chúng, loại bỏ chúng? Vì không thể chịu nổi những sự tự lên án và chỉ trích bản thân, bạn cố gắng tìm ra cho bằng được cách để xử lý chúng. Bạn áp chế bản thân mình phải thay đổi. Bạn buộc mình phải thành công, phải kiếm ra nhiều tiền hơn. Bạn ép bản thân không được tức giận. Bạn thôi thúc mình phải diệt trừ dục vọng bên trong. Bạn ép mình không được nghĩ tới những thứ mình thèm muốn. Bạn bắt buộc tim mình không được loạn nhịp khi gặp người mình thích.

  • Vòng lặp vấn đề vô hạn

Và nếu bạn không thể làm được, bạn sẽ tạo ra thêm những thực tế mới: bạn thất bại trong việc giải quyết những vấn đề trước đó. Như một vòng lặp vô tận, đứng trước thực tế này, bạn sẽ lại tiếp tục đánh giá, so sánh, lên án, chỉ trích bản thân. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục đi tìm giải pháp: phải làm gì với điều này, phải làm sao để loại bỏ nó?

Và như thế bạn bị mắc kẹt mãi mãi mà không tìm thấy lối ra. Đầy rẫy những mâu thuẫn thống trị tâm trí của bạn. Bạn chìm đắm trong những niềm đau vô tận không biết ngày kết thúc.

Chừng nào con người còn bận tâm đến những gì đang diễn ra, họ còn đau khổ.

vòng lặp vấn đề vô tận

Cách để không tạo ra vấn đề cho bản thân

  • Quan sát

Vậy khi đứng trước một thực tế nào đó, bạn cần làm gì?

Rất đơn giản, nếu bạn cảm thấy mình đang ganh tị, hãy dừng lại ở đó. Không đánh giá nó, không lên án nó. Hãy chỉ quan sát nó. Bạn cũng không cần phải chối bỏ nó. Không cần phải cố gắng nói rằng “tôi không ganh tị, đó không phải là tôi”. Bạn chẳng cần phải làm gì cả, những việc như lên án, phán xét, đánh giá, so sánh sẽ chỉ làm tốn thời gian và cạn kiệt năng lượng của bạn. Bạn chỉ cần thả lỏng và quan sát thực tế đó, quan sát sự ganh tị của mình.

  • Thấu hiểu

Bằng cách ấy tâm trí của bạn có thể tĩnh lặng. Một tâm trí tĩnh lặng luôn sáng suốt và biết tất cả. Khi tâm trí của một người tĩnh lặng, họ có thể thấu hiểu được những gì đang diễn ra. Bạn sẽ thấu hiểu được sự ganh tị trong mình. Sự ganh tị là gì? Nó khởi lên từ đâu hoặc như thế nào?

Khi bạn không chối bỏ, mà thay vào đó bạn thấu hiểu, tâm trí của bạn sẽ không có sự bận rộn nào cả, và cũng chẳng có vấn đề hay khó khăn nào dành cho bạn. Sự ganh tị đến và chẳng thể tác động được đến bạn, vậy nên nó không thể cắm rễ trong tâm trí bạn, nó rời đi.

Tương tự như thế với những ham muốn của bạn. Bạn không phán xét hay chối bỏ chúng, bạn thấu hiểu chúng. Bạn hiểu được ham muốn là gì và vì sao bạn lại có những ham muốn ấy. Bạn chỉ quan sát mà không tác động gì đến những ham muốn ấy. Và cứ thế, chúng không thể ảnh hưởng đến bạn và chúng rời đi.

Mọi thứ đến và sẽ tự nhiên rời đi, chẳng để lại vết tích gì nếu bạn chỉ quan sát và thấu hiểu chúng.

Ganh tị, ham muốn, thất bại… không phải là vấn đề, chúng không gây khó khăn cho bạn. Chỉ khi bạn cố gắng chối bỏ chúng, chúng mới trở thành vấn đề gây rối cho cuộc sống của bạn.

Thói quen của tâm thức

  • Thói quen bận rộn

Cũng như những người khác, chúng ta lớn lên cùng với nhiều thói quen được dạy mà nên. Chúng ta được dạy cách so sánh, phân tích và đánh giá. Đứng trước bất kỳ thứ gì, chúng ta cũng đều phải phân tích và đánh giá.

Chính điều này làm hạn hẹp khối óc của ta. Ta bận rộn trong mớ hỗn độn mà mình tự tạo nên. Vì bị mắc kẹt trong đống hỗn độn ấy mà ta cảm thấy mâu thuẫn, đau khổ. Càng đau khổ lại càng chống lại. Chúng ta hình thành tâm thế luôn sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu với chính mình và chiến đấu với những người khác.

Nhưng liệu con người có thể chỉ quan sát một thực tế mà không có hành động nào chống lại hay không? Có thể, nhưng không dễ dàng để làm được. Vì con người tự truyền cho nhau một nỗi sợ, đó là nỗi sợ không bận tâm đến thực tế.

Mọi người dạy nhau rằng: hãy kiểm soát cơn giận, đừng tự hài lòng với chính mình, hãy nhìn lại bản thân mình xem có gì, hãy kiểm soát dục vọng của mình, hãy thay đổi đi vì mày tệ lắm…

Vì thế mà chúng ta không dám chỉ quan sát thực tế, chúng ta sợ rằng nếu không so sánh, bới móc nó lên thành một vấn đề, thì là chúng ta đang sai, đang đi thụt lùi. Chúng ta phải biến nó thành vấn đề và giải quyết vấn đề đó vì tin rằng đó mới là quy trình đúng của tự nhiên, của sự phát triển. Nhưng thật tiếc, nó lại là quy trình đúng, tự nhiên và giúp phát triển những khổ đau của nhân loại.

  • Thuận theo tự nhiên

Tự nhiên không chống đối lại bất kỳ thứ gì, nó chỉ thấu hiểu những sự thay đổi bên ngoài và thích nghi theo mà thôi. Đó là cách để tự nhiên tồn tại và phát triển. Trong tiến trình phát triển của tự nhiên luôn có nhiều thay đổi bất ngờ và thú vị. Tự nhiên luôn hoàn hảo một cách không hoàn hảo.

Đối với con người cũng thế, những gì đến chỉ đơn thuần là để chúng ta quan sát và thấu hiểu. Từ đó chúng ta thích nghi và bước tiếp trên hành trình cuộc đời của mình. Khối óc của chúng ta tự do hoàn toàn. Với sự tự do ấy chúng ta hoàn toàn bung lụa. Còn với sự chống đối, bài xích, chối bỏ, con người chỉ mang về cho mình khổ đau và một tâm trí bận rộn, hạn hẹp. Họ chẳng thể nhìn thấy gì khác, cũng chẳng làm được điều gì khác.

Đừng mong cầu sự “hoàn hảo”. “Hoàn hảo” trong mắt con người là sự phóng đại lố bịch, không có khả năng xảy ra. Còn sự hoàn hảo của tự nhiên lại khác. Sự hoàn hảo của tự nhiên là lá rụng, hoa tàn, tre già măng mọc, là gió bão, mưa giông, nắng ấm, băng tan… Bạn là cả tự nhiên, nơi tất cả mọi điều sẽ xảy ra. Có thứ đến, thứ đi, có hỉ nộ ái ố, có thành công và thất bại, có lúc đi, chạy, đứng, bò, nằm… Vậy nên hãy sống như cách tự nhiên vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục sống. Tĩnh lặng, quan sát, thấu hiểu, thích nghi và bước tiếp.

Đăng ký Healing 1-1

Tâm sự, chia sẻ, và nhận những giải đáp để hỗ trợ bình yên trong tâm hồn, chữa lành những tổn thương và sống cho giây phút hiện tại.

Đăng ký ngay