Vì sao bạn có quá nhiều mong cầu trong tình yêu? Cách để giải quyết
Gem
author
Khi đến với bài viết này, có lẽ bạn cũng đã nhận ra rằng bản thân có quá nhiều mong cầu trong tình yêu, và bạn nhận thức được rằng những mong cầu ấy đang gây tổn hại đến mối quan hệ tình cảm của bạn. Con người ai cũng có những mong muốn và đòi hỏi cá nhân. Một số là chính đáng và phù hợp để xây dựng một cuộc sống đầy đủ, lành mạnh. Một số khác lại khá quấy nhiễu, cực đoan khiến cho cuộc sống trở nên mệt mỏi và khó chịu.
Dấu hiệu của mong cầu quá nhiều trong tình yêu

Từ chính mình:
- Mong đợi đối phương hiểu mình dù mình không nói gì
- Dễ bực tức, giận dỗi khi đối phương làm không đúng ý mình
- Cần đối phương dành nhiều thời gian cho mình
- Mong muốn đối phương có thể hi sinh (gia đình, sự nghiệp, bản thân) vì mình
- Muốn đối phương phải luôn chủ động
- Muốn được đảm bảo an toàn tài chính bởi đối phương
- Muốn đối phương ưu tiên mình trên tất cả
Từ đối phương:
- Họ nói rằng bạn đòi hỏi quá nhiều
- Họ thể hiện sự mệt mỏi trước những mong cầu của bạn
- Họ đau khổ và bất lực trước việc không thể đáp ứng yêu cầu của bạn
- Họ dằn vặt, tự trách mình vì không thể đáp ứng yêu cầu của bạn
Sự thấu hiểu, sự chủ động, sự ưu tiên, hay tiền bạc và tình cảm đều là những đòi hỏi chính đáng trong một mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên khi đòi hỏi quá nhiều, nó sẽ trở thành gánh nặng trong mối quan hệ. Mọi thứ đều cần có sự cân bằng, bởi “được đáp ứng tất cả mong cầu trong mối quan hệ” không phải là ý nghĩa của mối quan hệ tình cảm.
Một số người có thể mong cầu một thứ rất nhiều, chẳng hạn như cần rất nhiều thời gian của đối phương. Nhiều người khác lại mong cầu rất nhiều thứ một cách rất nhiều. Họ vừa muốn đối phương dành nhiều thời gian cho mình, đảm bảo an toàn tình cảm tuyệt đối cho mình, làm ra nhiều tiền cho mình, luôn phải làm đúng theo ý mình mọi việc, phải hơn chồng/vợ của tất cả bạn bè họ…
Ảnh hưởng tiêu cực của “quá nhiều mong cầu trong tình yêu” đến mối quan hệ
Tác động đến chủ thể:
- Luôn trong trạng thái dễ bực tức, dễ giận
- Mất niềm tin vào đối phương
- Cảm thấy bản thân không được yêu, không được trân trọng
- Mất niềm tin vào tình yêu
- Mang nhiều cảm xúc tiêu cực, hành xử thái quá
- Thiếu lòng vị tha, bao dung
- Không có lòng biết ơn
- Tư tưởng lệch lạc
- Đời sống tinh thần sa sút
- Buông thả bản thân
- Căng thẳng, lo âu, trầm cảm…
- Luôn trách móc, trì chiết đối phương
- Mang tâm lý nạn nhân, đổ lỗi
Tác động đến đối phương:
- Tâm lý mệt mỏi, căng thẳng
- Chán nản người yêu/bạn đời
- Dằn vặt, tự trách bản thân chưa đủ tốt
- Chạy trốn khỏi người yêu/bạn đời
- Lạnh nhạt, xa cách dần
Tác động đến mối quan hệ: Mối quan hệ tình cảm trở nên thiếu gắn kết, có nguy cơ rạn vỡ. Cả hai người trong cuộc tình đều luôn ở trạng thái căng thẳng và không thể hiểu được đối phương. Sự giao tiếp dần biến mất, để lại toàn những sự trách móc và dằn vặt lẫn nhau. Tình cảm bao năm sẽ dần nhạt đi, và chẳng ai sẵn lòng chủ động xây đắp lại tình cảm.

Nguyên nhân nào khiến bạn có quá nhiều mong cầu trong tình yêu
Thiếu thốn nhiều thứ trong tuổi thơ (tiền bạc, tình thương, sự chú ý…)
Con người ta khi thiếu thốn thứ gì quá nhiều thì lại càng tham lam thứ đó. Điểm cân bằng là thứ không tồn tại trong mắt họ. Họ tham lam ngấu nghiến càng nhiều càng tốt, cho tới khi thứ ấy hại chết họ.
Nếu tuổi thở của bạn quá thiếu một thứ gì đó, và nó trở thành một nỗi đau quá lớn trong lòng bạn, thì có thể bạn sẽ luôn cảm thấy cần thứ ấy. Không bao nhiêu là đủ với bạn, và cũng không bao nhiêu có thể làm bạn cảm thấy an toàn. Bao nhiêu tiền bạn cũng không thấy đủ, và dù có bao nhiêu rồi bạn cũng luôn bất an về tiền. Bao nhiêu thời gian dành cho bạn, bạn cũng không có thấy hài lòng. Dù đã quan tâm, chú ý đến bạn rất nhiều, nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy thiếu thốn nếu có 1 giây phút nào đó không được ưu tiên lên hàng đầu.
Hơn nữa, dù có được rất nhiều rồi bạn vẫn luôn cảm thấy bất an. Bạn lo sợ những gì mình đang có được không tồn tại mãi. Bạn muốn có sự đảm bảo tuyệt đối rằng bạn sẽ luôn có được những gì mình muốn.
Tuổi thơ là nền tảng tâm lý của một đứa trẻ. Đã gọi là nền tảng, thì nó tác động đến hết tất thảy mọi thứ trong cuộc đời bạn, cho dù bạn có lớn lên thêm bao nhiêu năm tuổi. Tuổi thơ quá thiếu thốn, và nỗi sợ hãi sự thiếu thốn khiến bạn điên cuồng tìm kiếm để bù đắp sự thiếu thốn trong lòng. Sự thiếu thốn trong tâm hồn là thứ không thể nào bù đắp nổi. Nó như chiếc động không đáy, dù có thả xuống bao nhiêu cũng không thể lấp đầy.
Xem thêm: Tâm lý càng thiếu thốn càng tham lam – Mô thức tâm lý phá hủy các mối quan hệ
Quá được nuông chiều khi còn nhỏ
Trái ngược với ở trên, một người quá được nuông chiều khi còn nhỏ đã quen thói mình là cái rốn của vũ trụ. Họ quen với việc mọi mong cầu của mình luôn được đáp ứng và quen với việc đòi hỏi tất cả mọi thứ từ người khác. Họ không có khả năng nhìn nhận xem mình có thực sự cần điều gì đó và những người xung quanh liệu có khả năng đáp ứng yêu cầu của mình. Họ tham lam muốn có tất cả, kể cả những thứ mình không thực sự cần. Họ phát điên nếu như mong muốn của mình không được đáp ứng.
Họ không phải là những người biết “yêu thương bản thân”, họ chỉ là những kẻ ích kỷ, tham lam và kiêu căng. Họ đặt cái tôi của mình trên hết mọi thứ. Họ không thật sự trân trọng hay yêu thương ai đó. Họ yêu cái tôi của mình hơn hết thảy mọi thứ.

Bản chất của “quá nhiều mong cầu” trong tình yêu
Cũng giống như sự đòi hỏi quá nhiều, việc đòi hỏi nhiều trong tình yêu cũng mang bản chất i hệt: thỏa mãn và sợ hãi.
Ham muốn thỏa mãn
Cảm giác thỏa mãn là thứ mà con người theo đuổi, nhưng lại gọi nó với cái tên “hạnh phúc”. Con người đam mê cảm giác thỏa mãn đến mức phát nghiện. Khi không được “thỏa mãn” họ cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên, tệ hơn là tức giận và cọc tính. Như thuốc phiện, cảm giác thỏa mãn không kết thúc, nó đòi hỏi nhiều cảm giác thỏa mãn hơn sau đó. Chính vì thế mà khi đã có được thứ mình muốn (được thỏa mãn), con người ta lại muốn nhiều hơn (được thỏa mãn nhiều hơn). Khi có được cảm giác đáp ứng yêu cầu, lại ham muốn được đáp ứng nhiều hơn. Nó trở thành sự ham muốn không giới hạn, hoặc gọi là tham lam.
Khi được thỏa mãn, con người nói rằng “mình đang hạnh phúc”, “mình là người hạnh phúc”. Khi không được thỏa mãn, họ nói “mình là kẻ bất hạnh”. Những người mong cầu quá nhiều trong tình yêu cố gắng đẩy 2 chữ “hạnh phúc” này sang cho đối phương. Đối phương là người khiến họ “hạnh phúc” hoặc “bất hạnh”. Họ tự đóng vai người được ban phát, hoặc vai nạn nhân, thế dưới, chờ xem đối phương trao cho mình thứ gì và phản ứng với thứ đó: hài lòng hoặc bất mãn.
Nỗi sợ hãi
Sự đòi hỏi nhiều xuất phát từ nỗi sợ. Con người hoặc sợ quá khứ lặp lại, hoặc sợ tương lai không như ý mình. Nhưng vì không muốn chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, và không muốn chấp nhận bất kỳ điều gì bất như ý nên họ đòi hỏi và yêu cầu người khác phải có trách nhiệm đáp ứng những gì họ muốn. Nỗi sợ càng lớn, sự đòi hỏi càng nhiều.
Người quá bất an trong mối quan hệ, liên tục yêu cầu đối phương phải chứng minh sự chung thủy, không rời bỏ. Và gọi đó là “cảm giác an toàn”. Họ đẩy trách nhiệm mang lại “cảm giác an toàn” đó cho đối phương.

Người quá sợ thiếu thốn sẽ luôn muốn đối phương phải đảm bảo an toàn về tài chính cho họ. Đối phương phải không được phép thất nghiệp, không được phép thất bại trong kinh doanh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của sự thất nghiệp, thất bại kinh doanh trong sự nghiệp của đối phương, họ sẽ ngay lập tức phát hoảng, lo lắng và trách móc. Tệ hơn là họ có thể sẽ chủ động chia tay sớm để không phải đối mặt với sự mất an toàn tài chính này.
Mỗi nỗi sợ khác nhau sẽ tạo nên những đòi hỏi khác nhau. Tương tự như hai ví dụ ở trên, những nỗi sợ khác nếu quá lớn cũng sẽ đi kèm những yêu cầu vô cùng quá đáng, không thiết thực.
Cách nào giúp bạn buông bỏ bớt mong cầu trong tình yêu
Rất ít người nhận ra rằng mình có quá nhiều mong cầu trong tình yêu. Và cũng rất ít người trong số đó cảm thấy bản thân cần thay đổi, hoặc giảm bớt mong cầu đi. Chỉ khi bạn nhận thức được rằng mình đang tự khiến mình đau khổ bằng việc mong cầu quá nhiều, và bạn muốn kết thúc điều đó, thì bạn sẽ tự nhiên muốn giảm bớt mong cầu trong tình yêu. Phần sau này là dành cho bạn.
1. Tìm ra nguyên nhân
Việc đầu tiên cần phải làm là tìm ra nguyên nhân nào khiến bạn có quá nhiều mong cầu trong tình yêu. Bạn không cần vội vàng, cứ thả lỏng tâm trí để đi tìm xem điều gì sâu bên trong mình đã dẫn dắt mình đến với những mong cầu của hiện tại. Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi dẫn dắt dưới đây:
- Mong muốn này làm mình thỏa mãn điều gì?
- Nỗi sợ nào khiến mình mong muốn điều này?
- Bạn có từng chứng kiến người nào có những mong muốn tương tự như bạn? Họ có tác động như nào đến sự hình thành mong muốn của bạn?
- Vì sao mình lại thấy thỏa mãn, hay sợ hãi? Phải chăng là mình từng trải qua điều gì? Hay đơn thuần là mình tham lam?
- Những cảm giác này có từng xảy ra ở quá khứ không? Sớm nhất là nó xuất hiện khi nào?
- Điều gì đã diễn ra vào lúc ấy? Tác động đến cảm xúc của bản thân như nào?
- Môi trường/Hoàn cảnh xung quanh sự kiện như nào?
Từ việc trả lời nhiều câu hỏi nối tiếp nhau, bạn có thể có cho mình một bức tranh toàn cảnh về nguyên nhân.
Ví dụ 1:
Bạn nhận thấy mình có đòi hỏi quá đáng là người yêu/bạn đời nên hi sinh gia đình/sự nghiệp/bản thân cho mình. Bạn đi tìm hiểu về nguyên nhân và nhận thấy rằng từ nhỏ mẹ đã hi sinh tất cả cho bố. Mẹ chọn bỏ công việc yêu thích để làm việc mình không thích ở gần nhà, tiện chăm con. Mẹ không ăn món mình thích, chỉ mua và nấu món mà bố thích. Mẹ chịu đựng bố và cảm thấy hài lòng với điều đó. Bạn sợ mình trở thành người như mẹ. Vì thế bạn cự tuyệt một cách tuyệt đối bất kỳ sự hi sinh nào. Bất kỳ sự nhường, nhịn nào bạn cũng không chấp nhận. Bạn không đồng ý bất kỳ sự lùi bước nào.
Trong những mối quan hệ bạn bè khác trong cuộc sống, bạn cũng luôn phòng bị để bản thân không thiệt thòi. Bạn tính toán kỹ lưỡng để không ai có được gì từ bạn. Bạn có xu hướng nhận hơn là cho. Khi phải nhường bất kỳ điều gì bạn luôn cảm thấy khó chịu trong lòng, cảm giác như người ta đang cướp hết của mình. Cảm giác bất an, lo lắng trỗi dậy. Bạn sợ rằng sẽ có thêm nhiều lần khác mình phải nhịn, nhường. Bạn cảm thấy cần tìm sự bù đắp lại những gì mình đã cho ở nơi khác. Mối quan hệ có 2 người, khi bạn không chịu nhường bất kỳ điều gì, đồng nghĩa người còn lại phải nhường tất cả.

Ví dụ 2:
Bạn cần người yêu luôn chủ động. Bạn đi tìm nguyên nhân về mong cầu này. Bạn nhận thấy bản thân có niềm tin rằng “con gái chủ động là mất giá” và nhiều niềm tin tương tự. Bạn không bao giờ chủ động mở lời nói về suy nghĩ, cảm xúc của mình. Bạn không xin lỗi. Bạn không nhắn tin trước, không hỏi thăm trước. Bạn không nhận mình sai trước. Bạn mong chờ người kia tự biết, tự hiểu mà tìm đến bạn, mở lời với bạn trước. Niềm tin này có được bởi truyền thông mà bạn tiếp xúc luôn lan truyền thông điệp như vậy. Hội bạn của bạn cũng luôn nói về giá trị của người con gái là không chủ động, phải giữ giá.
Ngoài ra, bạn còn phát hiện mình ngại nói ra suy nghĩ của mình. Kể cả khi người yêu đã chủ động hỏi, bạn vẫn không thể nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình. Bạn nhận thấy mình đã ngại nói như thế từ rất lâu rồi. Thời đi học bạn không dám bắt chuyện với người khác, không thể chủ động kết bạn. Bên trong bạn luôn sợ người khác phán xét mình. Điều này được hình thành từ những lần bố mẹ thờ ơ với suy nghĩ của bạn. Họ cho rằng cảm xúc của bạn là không quan trọng và suy nghĩ của bạn thật ngớ ngẩn. Họ cười cợt bạn, và mang điều đó đi kể và cười đùa ở khắp nơi. Từ đó bạn sợ nói ra vì sợ bị đánh giá.
2. Giải quyết nguyên nhân
Bạn có thể phân loại từng nguyên nhân theo hai kiểu: tổn thương và niềm tin sai lệch. Đối với nguyên nhân đến từ những tổn thương trong quá khứ, bạn sẽ cần chữa lành những tổn thương ấy. Đối với nguyên nhân đến từ những niềm tin sai lầm thì bạn cần loại bỏ niềm tin ấy, xây dựng hệ thống niềm tin, hệ thống tư duy mới, để có góc nhìn mới khách quan và phù hợp hơn.
-
Chữa lành
Tùy vào dạng tổn thương mà bạn sẽ có những cách chữa lành khác nhau. Bạn có thể tham khảo qua các bài viết về phân loại tổn thương dưới đây và nhiều bài viết khác có trên web Khu vườn Molly:
3 dạng biểu hiện khác nhau của một tổn thương: tái diễn, kìm nén, thăng hoa (Phần 1) (Phần 2)
Đứa trẻ bên trong là gì? Tại sao bị tổn thương? Cách để chữa lành Đứa trẻ bên trong
Tổn thương tính nam và tính nữ nội tâm
Cha mẹ làm tổn thương đứa trẻ như thế nào? (Phần 1) (Phần 2)
Chấn thương thế hệ – Liệu có quá bất hạnh cho thế hệ sau? – Làm sao để kết thúc chấn thương thế hệ
Dấu hiệu của thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu
Việc chữa lành sẽ giúp cho nỗi đau không còn khắc khoải trong tâm trí bạn, và không còn khả năng điều khiển được bạn. Những tâm lý tiêu cực, cực đoan được hình thành bởi tổn thương cũng sẽ dần vơi đi, và biến mất. Cái xiềng xích tâm hồn bạn biến mất, tinh thần bạn khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Và tất nhiên ở một con người có tinh thần khỏe mạnh và tâm hồn an nhiên, sẽ không còn những mong cầu thái quá đến mức tự khiến bản thân mệt mỏi và đau khổ.
Bạn có thể đăng ký Healing 1-1 của Vườn để được hỗ trợ chữa lành tốt nhất.

-
Thay đổi hệ thống niềm tin mới, góc nhìn mới
Sau khi chữa lành, bạn sẽ cần cài đặt lại hệ thống tư duy mới cho mình. Một góc nhìn khách quan hơn, hợp lý hơn cần được thiết lập, và cũng vô cùng dễ dàng để thiết lập.
Còn nếu bạn không có tổn thương mà chỉ có hệ thống niềm tin sai lầm thôi thì chắc chắn bạn phải thay đổi hệ thống niềm tin ấy rồi. Việc này sẽ cần khá nhiều thời gian, vì xóa bỏ một thứ gì đó đã in sâu không phải là dễ dàng. Bạn sẽ cần khẳng định mỗi ngày, mỗi khi có thể về niềm tin mới của mình.
“Giá trị của người con gái không phải ở việc hoàn toàn không chủ động gì. Mình có giá trị con người của riêng mình. Trong mối quan hệ, ai cũng xứng đáng được đối xử tốt, và nên đối xử tốt lẫn nhau. Thấu hiểu nhau cần xuất phát từ hai phía. Cả đàn ông và phụ nữ đều xứng đáng được yêu chiều, tôn trọng và bảo vệ.”
Việc lặp lại hệ thống tư duy mới mỗi ngày, mỗi khi cần sẽ giúp nó cắm rễ vào tâm trí bạn một cách nhanh chóng, đồng thời niềm tin sai lệch cũ sẽ từ từ biến mất. Hãy tìm cho mình những góc nhìn, lối suy nghĩ phù hợp hơn và cài đặt chúng. Mỗi khi lối suy nghĩ cũ xuất hiện, hãy ngay lập tức khẳng định những lối suy nghĩ mới nhiều lần.
3. Hạn chế tiếp xúc những gì ủng hộ góc nhìn cũ
Hạn chế xem những nội dung ủng hộ lối tư duy cũ trên các mạng xã hội. Thay vào đó hãy đọc và xem nhiều hơn về những lối suy nghĩ mới phù hợp với bản thân. Không nên xem quá nhiều những nội dung đau khổ. Các loại phim ảnh, video đau khổ sẽ thúc đẩy bạn tìm đến cảm giác đau khổ, bất hạnh. Hạn chế nói chuyện, giao tiếp với những người mang hệ thống niềm tin sai lệch. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, vì thế mà không nên chơi với những người quá tiêu cực, quá tham lam, quá đòi hỏi.
Tránh xa những người có khả năng làm mình tổn thương, và khơi gợi lại tổn thương của mình. Trong quá trình hồi phục và trở nên cứng cáp hơn về mặt tinh thần, bạn rất cần hạn chế tiếp xúc với nguồn gây tổn thương.
4. Luyện tập buông bỏ

Có hai thứ quan trọng bạn cần học buông: cảm giác bực tức khi không được đáp ứng mong cầu và chính bản thân mong cầu.
-
Buông bỏ cảm xúc tiêu cực khi không được đáp ứng mong cầu
Ban đầu luyện tập giảm bớt sự mong cầu, chắc hẳn bạn vẫn sẽ bực bội, khó chịu, thậm chí là cảm thấy tổn thương khi mong cầu không được đáp ứng. Mỗi khi những cảm xúc này trỗi dậy, bạn hãy ở yên, bình tĩnh và hít thở. Hít vào sự bình yên và thở ra những cảm xúc tiêu cực ấy. Cứ làm như thế tầm 10-30 phút, cho đến khi bạn cảm thấy bình yên trở lại. Tránh sao nhãng vào điện thoại hay sách báo. Hãy cho bản thân vài phút một mình để chỉ hít thở. Hãy cảm nhận cảm xúc của bản thân, cảm nhận cơn giận bên trong bạn, và thở nó ra.
Cứ như vậy nhiều lần, những cảm xúc tiêu cực sẽ không được tích tụ lại nữa, mà vơi đi hết. Hơn cả thế, những cảm xúc tức giận, đau khổ được tích tụ trước kia cũng sẽ dần vơi đi. Khi cảm xúc tích lũy trước kia dần biến mất, bạn sẽ cảm thấy tâm trí mình nhẹ nhõm dần đi. Sự tươi mới, an nhiên dần phủ khắp con người bạn.
-
Buông bỏ mong cầu
Mỗi khi những mong cầu xuất hiện trong tâm trí bạn, hãy ý thức được rằng “mình đang có mong muốn…”. Việc nhận thức được bản thân đang có ham muốn này, yêu cầu kia sẽ giúp bạn tạm dừng lại trong giây lát, thay vì bị những ham muốn ấy lôi kéo phải “có cho bằng được thứ này”. Trong giây phút tạm dừng ấy, bạn nhìn trực diện vào mong muốn ấy và nói với nó rằng “Tao đã tóm được mày, cái ham muốn luôn dẫn dắt tao một cách vô thức, giờ thì mày không thể làm được điều đó nữa đâu”.
Hãy hít thở thật sâu và nhìn thật kỹ vào nó. Bạn chẳng cần phải làm gì cả, không đi theo nó, không xua đuổi nó. Chỉ nhìn nó đang tồn tại. Và tiếp tục tập trung hít thở và nhận thức về ham muốn của mình, cho đến khi nó tự tan biến. Việc chống đối một ham muốn sẽ chỉ khiến ham muốn trở nên mạnh hơn. Việc để ham muốn dẫn dắt là điều mà trước đây bạn vẫn làm một cách vô thức.
Hãy tập nhận thức ham muốn của mình. Dần dần những ham muốn ấy sẽ có tần suất lặp lại ít hơn và dần tiêu tan.
5. Sống trong hiện tại
Sợ quá khứ lặp lại, sợ tương lai không như ý là yếu tố góp phần thúc đẩy sự mong cầu, ham muốn thái quá của con người. Nhưng hiện tại thì lại khác. Hiện tại không góp phần tạo nên bất kỳ sự lo lắng hay bất an nào. Khi bạn sống trong hiện tại, bạn có được sự bình yên, mọi mong muốn cũng vì thế mà tiêu tan.

Hãy tập trung vào hiện tại, hít thở và cảm nhận không khí của hiện tại. Tận hưởng những gì mình đang có xung quanh. Ngắm nhìn hoa cỏ, trời mây và cảm nhận ánh sáng, bóng tối. Tập trung vào công việc mình đang làm. Tập trung vào bài vở mình đang học. Khi ăn thì biết mình đang nhai, nuốt, cảm nhận hương vị đồ ăn. Khi uống thì biết mình đang uống, cảm nhận dòng nước chảy vào miệng và đi vào thực quản. Cảm nhận từng bước chân mình bước đi. Tận hưởng dòng nước tắm đang làm sạch cơ thể mình. Khi ngồi biết mình đang ngồi, khi nằm biết mình đang nằm.
Sống trong hiện tại chỉ đơn giản là tập trung vào từng giây phút mình đang hiện hữu, bất kể là mình đang làm gì. Hiện tại không dẫn dắt bạn đi đâu cả, nhưng quá khứ và tương lai thì luôn cố gắng lôi kéo tâm trí của bạn vào những điều lo lắng, bất an, viển vông, và ảo tưởng.
Xem thêm: Sống trong chánh niệm