Vì sao bạn không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì từ người mình yêu?
Gem
author
Biểu hiện của “không dám đòi hỏi” trong tình yêu
Là một người không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì trong tình yêu, bạn có một vài trong số những biểu hiện sau đây, hoặc có tất cả:
- Ngại nói ra mong muốn của mình
- Sẵn sàng chịu thiệt, chịu ấm ức
- Không dám nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình
- Không dám mong đợi người kia sẽ hiểu mình
- Overthinking
- Luôn im lặng, và ước người kia hiểu mình
- Thất vọng, tuyệt vọng nhưng vẫn không thể rời đi
- Không thể rời khỏi mối quan hệ dù đối phương có tệ như thế nào
- Dù người ngoài có chỉ cho bạn thấy người kia tệ như nào, bạn vẫn cảm thấy người ấy đủ tốt rồi
Nhìn chung thì bạn không dám mong cầu gì từ người mình yêu, bạn chấp nhận tất cả. Bạn chấp nhận để bản thân chịu thiệt. Hoặc thậm chí cảm thấy mình không hề chịu thiệt mà “được như này đã tốt rồi”. (Có lẽ bạn không thuộc trường hợp này, bởi nếu thấy tốt thì bạn đã không tìm đọc bài viết này.)
Vì sao bạn không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì từ người mình yêu?
-
Quá khứ không được phép đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ cha mẹ
Tuổi thơ luôn có tác động rất lớn đến sự trưởng thành của bất kỳ một ai. Một đứa trẻ từ nhỏ đã bị cha mẹ thờ ơ nhu cầu cá nhân, hoặc bị cha mẹ rầy la vì những mong muốn cá nhân, sẽ hình thành nỗi sợ biểu lộ mong cầu của mình. Sợ nói ra mong muốn của mình thì sẽ bị cha mẹ trách mắng. Sợ nói ra suy nghĩ và cảm xúc của mình mà cha mẹ không quan tâm.
Nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn chỉ trích con cái là kẻ ích kỷ, tham lam, không biết nghĩ cho cha mẹ khi biểu lộ ra mong cầu của bản thân. Từ đó, đứa trẻ khép mình, không dám nói ra mong muốn của bản thân. Chúng tin rằng không nói ra thì vẫn được yêu thương, được khen là trẻ ngoan, hiểu chuyện, không bị cha mẹ trách mắng, thờ ơ, lạnh nhạt nữa.
Một đứa trẻ không dám đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ cha mẹ, thì làm gì có can đảm đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ người khác.
-
Tính cách
Những người có tính cách độc lập thường tự làm mọi việc. Nếu có bất kỳ mong muốn cá nhân nào, họ đều sẽ tự mình đáp ứng. Họ tự chủ trong mọi việc, không nhờ vả ai giúp đỡ. Họ tự chăm lo cho mình, không muốn phiền đến ai. Họ cảm thấy việc đòi hỏi bất kỳ thứ gì từ người yêu đều mang nghĩa “phụ thuộc”. Tinh thần độc lập cao không cho phép họ phụ thuộc vào bất kỳ ai. Không phụ thuộc tiền bạc, cảm xúc, công việc, cuộc sống cá nhân…
Những người có tính nhút nhát, tự ti thường ít nói và không dám nói ra suy nghĩ, cảm xúc và mong cầu cá nhân. Họ thường thu mình lại, tránh né, càng ít thể hiện bản thân càng tốt.
Những người có tính cam chịu thường chủ động chịu thiệt. Họ không đấu tranh cho cuộc sống. Họ chấp nhận mọi thứ dù không thích. Họ lười đấu tranh cho chính mình và cho người khác. Họ sẽ bình thường hóa mọi thứ tồi tệ, và chấp nhận nó như là điều hiển nhiên.
-
Đánh giá thấp giá trị của bản thân
Những người đánh giá thấp bản thân mình thường mặc định mình không xứng đáng với những điều tốt đẹp. Bởi đánh giá bản thân mình rất thấp nên họ tin rằng bản thân chỉ xứng đáng với những thứ nhỏ bé, thấp hèn, hoặc tồi tệ. Kể cả khi ai đó đưa cho họ thứ tốt đẹp, họ cũng sẽ từ chối vì thấy không xứng đáng. Chính vì thế mà họ không đòi hỏi bất kỳ điều gì tốt đẹp trong tình yêu. Họ luôn cảm thấy “mình chả có gì/tệ như này, được vầy là tốt rồi”.
-
Sợ bị phán xét, bị đánh giá là đòi hỏi, vật chất, vụ lợi, đào mỏ
Xã hội lên án khá nhiều những người đòi hỏi, vật chất và đào mỏ. Vì thế mà nhiều người cũng sợ bản thân bị đánh giá và lên án. Họ sợ sự đòi hỏi của mình sẽ khiến đối phương và mọi người xung quanh cho rằng mình là kẻ hư hỏng, chỉ biết đòi hỏi, chỉ biết đến tiền, và thực dụng. Nỗi sợ lớn đến mức, họ tiết chế tối đa nhu cầu của bản thân, không dám đòi dù chỉ là thứ nhỏ bé như: cốc trà sữa, bữa ăn được mời, một bó hoa, một món quà, thời gian của đối phương, sự quan tâm cần thiết…
Những người này có xu hướng tự phán xét mình rất cao, nên luôn sợ bị người khác phán xét.
-
Sợ bị mất giá, bị xem thường
Đây cũng là một “niềm tin” được lan truyền nhiều trên mạng xã hội. Nhiều người tin rằng nếu phải nói ra điều mình muốn thì thật là thấp kém và mất giá, người có giá trị là người không nói ra nhưng vẫn có được thứ mình muốn. Vì vậy mà họ im lặng và mong đợi đối phương làm những gì mình muốn. Nếu không hài lòng, không có được thứ mình muốn họ sẽ giận dỗi. Một số khác “thà im lặng chứ nhất quyết không nói” vì không muốn mất giá, dù rằng họ không thể hiện sự giận dỗi gì ra ngoài.
-
Sợ làm phiền người khác
Có những người cho rằng mong cầu cá nhân là thứ phiền phức. Những suy nghĩ và mong muốn của bản thân là thứ sẽ làm phiền người khác. Vì thế mà họ không bao giờ nói ra suy nghĩ, ý muốn của mình, để tránh làm phiền đối phương. Họ không muốn đối phương cảm thấy họ phiền, hoặc họ không muốn đối phương phải phiền lòng về họ.
Những người này thường tin rằng cuộc sống là một mớ phiền phức. Ai cũng đang phải gánh vác phiền phức của bản thân. Và họ lo sợ người khác phải chịu đựng thêm phiền phức từ mình. Họ có xu hướng trách bản thân khi làm phiền đến người khác.
-
Cặp đôi không có sự gắn kết với nhau
Không ít những cặp đôi không có sự gắn kết với nhau. Họ có chút tình cảm và kỳ vọng dành cho nhau, nhưng lại không có sự kết nối nào với nhau. Họ không bao giờ hiểu được người mình yêu, vì thế mà luôn có khoảng cách giữa hai người. Cái khoảng cách làm họ ngại lên tiếng để nói ra suy nghĩ hay cảm xúc của bản thân, và cũng ngại đòi hỏi những điều vô cùng đơn giản. Những cuộc trò chuyện không được từ nhiên. Những lời yêu thương vô cùng gượng gạo. Chính sự thiếu gắn kết này làm cho những người yêu nhau không dám đòi hỏi gì trong tình yêu.
Vì không dám lên tiếng đòi hỏi, nên họ thường mong đợi đối phương hiểu mình, đọc được suy nghĩ của mình, tự biết cách đối xử phù hợp với mình, bởi “tình yêu là phép màu của tạo hóa”. Hoặc là họ sẽ thôi luôn những mong cầu của mình, bởi họ chẳng thể nói bất kỳ lời gì ra khỏi miệng một cách nghiêm túc, rõ ràng và có chủ ý.
Ở mức độ nào thì những đòi hỏi là bình thường, nên có trong tình yêu
-
Mối quan hệ tình yêu/tình cảm là sự trao đổi công bằng
Trong một mối quan hệ luôn có hai người vì thế mà luôn có hai chiều. Để một mối quan hệ lành mạnh, và tốt đẹp theo thời gian, cả hai cần phải luôn có nhau. Cần hiểu rằng luôn có “nhau”. Chữ “nhau” cho thấy đó là mối quan hệ có qua có lại, có cho có nhận. Có cho đi sự giúp đỡ và nhận lại sự giúp đỡ. Có cho đi thời gian và nhận lại thời gian. Có cho đi niềm vui và nhận lại niềm vui. Có chia sẻ nỗi buồn và lắng nghe nỗi buồn của đối phương. Có thấu hiểu và được thấu hiểu…
Một mối quan hệ không thể được xây dựng chỉ từ một chiều. Tình đơn phương không tạo ra bất kỳ mối quan hệ nào. Chỉ một chiều tình cảm, chỉ một chiều cho đi, hoặc chỉ một chiều nhận lại không tạo ra một mối quan hệ đúng nghĩa.
Đặc biệt là trong tình yêu, hai con người xa lạ gắn kết với nhau, cần phải có một sự trao đổi cân bằng. Sự cho đi và nhận lại nên tương đồng với nhau. Tất cả các mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp mà bạn nhìn thấy đều như thế: cho đi và nhận lại cân bằng.
Xem thêm: Cách giao tiếp trong tình yêu giúp gắn kết cặp đôi mà bạn nên biết và thực hiện
-
Mối quan hệ được xây dựng từ mọi khía cạnh của cuộc sống
Dù là tình yêu hay tình bạn, mối quan hệ không bao giờ được xây dựng chỉ dựa trên niềm vui, hạnh phúc. Không có những người bạn thực sự nào chỉ đến bên nhau khi vui, còn khi buồn thì phận ai nấy lo. Cũng không có tình yêu nào chỉ bên nhau khi vô lo vô nghĩ, còn khi phải bận rộn, lo nghĩ, cần sự giúp đỡ thì giấu mình trong một góc.
Một mối quan hệ tình cảm được xây dựng dựa trên những niềm vui trao cho nhau, và cả những lúc làm phiền nhau. Niềm vui và nỗi buồn đều được chia sẻ. Lúc giàu, lúc nghèo cũng đều đồng hành cùng nhau. Khi ổn định, thăng tiến luôn chúc mừng nhau, khi hoạn nạn luôn giúp đỡ nhau. Khi rảnh rỗi dành thời gian cho nhau, khi bận rộn vẫn sắp xếp thời gian cho nhau một cách phù hợp. Khi thì giúp nhau giảm căng thẳng, lúc lại tạo căng thẳng cho nhau. Nhiều lúc vô cùng có ích cho nhau, đôi khi lại vô dụng, chả giúp ích được gì. Khi thì tạo niềm vui cho nhau, lúc lại tạo nỗi buồn cho nhau. Ăn vạ hay nhõng nhẽo cũng là những khía cạnh bình thường nên có trong một mối quan hệ.
Mối quan hệ được tạo nên bởi sự đa dạng của tính cách con người và những khía cạnh đa dạng của cuộc sống. Bằng không, nó là sự gắn kết nhàm chán, vô nghĩa.
-
Đòi hỏi sự cân bằng để duy trì một mối quan hệ lành mạnh
Sự đòi hỏi là cần thiết để tạo nên sự cân bằng trong mối quan hệ. Nên biết đòi về những gì xứng đáng với những điều mình đã cho đi. Việc đòi hỏi giúp cho bạn có thói quen nhận, nói lên sự công bằng, và đồng thời cũng giúp đối phương có thói quen cho, biết quan tâm đến người khác.
Không nên mặc định rằng “nếu người kia yêu mình thì sẽ tự biết cho mình”. Rất nhiều người khi yêu nhưng không biết phải cho người yêu thứ gì, thấu hiểu người yêu ra làm sao, bởi họ chưa từng được dạy điều này. Việc đòi hỏi cũng giúp cho việc xây dựng tình cảm đôi bên trở nên dễ dàng hơn, khi mà chàng biết nên cho nàng những gì, và nàng biết nên cho chàng những gì.
Một người đàn ông muốn có không gian riêng tư để xử lý vấn đề cá nhân, nên thẳng thắn yêu cầu được ở một mình để tập trung suy nghĩ. Một cô gái muốn được người yêu phụ giúp việc nhà, nên trao đổi rõ ràng với người ấy một cách chân thành.
Sự hài lòng trong tình yêu sẽ giúp cho hai con người luôn hạnh phúc trong tình yêu ấy. Một tình yêu lành mạnh, một mối quan hệ lành mạnh sẽ là nơi trú ngụ an toàn cho những con người cô độc trên đường đời, theo đuổi mục tiêu cá nhân, xây dựng bản thân mình.
-
Phân biệt những tiêu chuẩn cơ bản và đòi hỏi quá đáng
Nếu bạn sợ rằng những đòi hỏi của mình là quá đáng, là làm phiền người khác, là ích kỷ, hay thực dụng, bạn cần học cách phân biệt đâu là những tiêu chuẩn cơ bản trong tình yêu và đâu là những đòi hỏi quá đáng.
Những giá trị tinh thần cơ bản bao gồm: sự thấu hiểu, sự tôn trọng, sự đồng hành, sự giúp đỡ, sự lắng nghe và cảm thông, thời gian, không gian riêng tư, tự do…
Sự đòi hỏi này sẽ quá đáng nếu bạn muốn đối phương phải đọc được suy nghĩ của bạn khi bạn không nói ra. Phải tôn trọng bạn khi bạn không tôn trọng họ. Phải giúp đỡ bạn khi bạn chủ động, cố tình gây ra tai họa. Phải gánh luôn trách nhiệm với gia đình bạn. Phải bên bạn khi bạn luôn đẩy người ta ra xa. Phải để bạn được tự do với tất cả những người khác giới, thích đi là đi, thích về là về, không có trách nhiệm gì với mối quan hệ của cả hai… Đó là những đòi hỏi quá đáng.
Những giá trị vật chất cơ bản: chia sẻ phí sinh hoạt, giúp nhau về mặt tài chính trong lúc khó khăn (thất nghiệp, tìm việc, phá sản), quà tặng trong ngân sách phù hợp với đối phương…
Sự đòi hỏi này sẽ quá đáng nếu bạn muốn đối phương tặng bạn những thứ vượt quá khả năng của họ. Phải chu cấp toàn bộ sinh hoạt phí cho bạn khi họ không thể. Phải biến thành một người giàu trong chút chốc…
Đòi hỏi không phải là ích kỷ
Để có thể kết thúc tư tưởng không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì trong tình yêu, bạn cần phải hiểu được lý do vì sao cần phải có sự đòi hỏi trong tình yêu.
-
Để đối phương biết giá trị của bạn, và đối xử với bạn cho phù hợp
Một người dưng vừa quen (bạn có tình cảm với họ, họ có tình cảm với bạn) không thể tự dưng biết và hiểu hết giá trị của bạn. Một người đàn ông không thể tự nhiên mà biết toàn bộ nhu cầu của một cô gái. Ngược lại, một cô gái cũng không thể hiểu hết được nhu cầu của con trai.
Cả hai người cần có sự chia sẻ, tâm sự, trao đổi và tìm hiểu nhau để có thể dần học được cách đối xử làm sao cho phù hợp với nhau. Cả hai cần phải nói cho nhau biết về những tư tưởng, lý tưởng mình theo đuổi. Cả hai nên nói cho nhau biết về cách sống cá nhân, tầng sống và tầng nhận thức của chính mình. Từ đó cả hai có thể hình dung được đối phương cần gì, cần được đối xử như nào.
Đòi hỏi một cách phù hợp, với lời nói và giọng điều hài hòa là cách dạy cho đối phương biết bạn là ai, bạn xứng đáng với điều gì. Và đối phương luôn sẵn sàng tiếp nhận bạn. Một người yêu bạn thực sự sẽ luôn tự hào về giá trị của bạn, tuyệt nhiên không bao giờ muốn hạ thấp giá trị của bạn.
-
Để tôn trọng chính mình
Một người tôn trọng bản thân sẽ không để bất kỳ ai đối xử tệ với mình. Một người tôn trọng bản thân sẽ luôn đòi hỏi về phần mình những gì mình đáng nhận. Một người tôn trọng bản thân sẽ luôn biết từ chối những gì không phù hợp. Đòi hỏi được đối xử tử tế trong tình yêu là sự tôn trọng dành cho chính mình. Không một ai tôn trọng bản thân lại hạ thấp chính mình vì tình yêu cả.
Một người biết tôn trọng chính mình thì sẽ luôn được người khác tôn trọng. Vì thế mà những đòi hỏi cơ bản: yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu… là những điều tất yếu để giữ lấy sự tự tôn cho bản thân. Tình yêu đôi lứa có thể đến và đi, có thể thay đổi từ người này sang người khác. Nhưng sự tôn trọng bản thân sẽ không thay đổi dù bạn có yêu ai, bên ai.
-
Để mối quan hệ lành mạnh, tình yêu thật sự mang lại hạnh phúc
Một mối quan hệ lành mạnh là một mối quan hệ cân bằng cho cả hai bên. Cả hai đều vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc trong mối quan hệ ấy. Cả hai đều được là chính mình và được tôn trọng bởi đối phương. Tình cảm chỉ là thứ sơ khai nhất để đưa đến một mối quan hệ yêu đương. Nhưng thứ để duy trì mối quan hệ ấy tốt đẹp lại không phải là sự rung động, mà là sự tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu.
Một chuyện tình chỉ đẹp khi những người có mặt trong chuyện tình ấy đều có thể thả lỏng và cảm nhận tình yêu. Chuyện tình yêu sẽ trở thành bi kịch khi một trong hai, hoặc cả hai đã đánh mất bản thân. Không ai hạnh phúc trọn vẹn khi đánh mất giá trị của mình, khi bị hạ thấp, và bị đối xử không xứng đáng.
Vì vậy mà hãy luôn hiểu rằng đòi hỏi là để cho mối quan hệ tương xứng và cân bằng. Việc không dám đòi hỏi sẽ chỉ làm cho mối quan hệ xuống cấp. Tình yêu cũng vì thế mà dần bị bào mòn, và biến mất.
Tổng kết
Việc không dám đòi hỏi trong tình yêu được hình thành từ nhiều lý do khác nhau. Việc nhận thức được nguyên nhân nào khiến cho bản thân không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì trong tình yêu sẽ giúp việc tháo gỡ nút thắt trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu bạn có tuổi thơ không được đòi hỏi bất kỳ điều gì, hãy chữa lành cho tuổi thơ của mình. Quay trở lại tuổi thơ, trong tâm trí bạn, nuôi dưỡng lại chính mình, yêu chiều chính mình, cho phép mình có được những gì mình xứng đáng.
Nếu hệ tư tưởng của xã hội làm bạn có những niềm tin lệch lạc về giá trị của bản thân, bạn nên học lại những hệ tư tưởng đúng đắn. Việc thay đổi hệ tư tưởng là vô cùng quan trọng. Nó giúp cho bạn thay đổi góc nhìn về bản thân, và về sự cân bằng trong tình yêu. Từ đó bạn có thể dễ dàng loại bỏ thói quen “không dám đòi hỏi” trong tình yêu. Và bạn sẽ biết cách đòi hỏi những gì mà mình xứng đáng. Tình yêu chỉ đẹp khi cả hai đều nhận được những gì mình đáng được nhận. Tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu là những giá trị cơ bản của một tình yêu thực sự.