Vì sao bạn không thể hiểu chính mình?
Gem
author
Nghịch lý khát khao được thấu hiểu
Con người luôn khao khát được thấu hiểu bởi người khác, nhưng lại không thể hiểu nổi chính mình. Làm sao ai đó có thể hiểu được bạn trong khi bạn lại chẳng hiểu gì về mình.
Con người có rất ít sự hiểu biết về bản thân. Chúng ta sinh ra được dạy rất nhiều thứ, nhưng lại rất ít khi được dạy về cách tìm tòi, khám phá và thấu hiểu chính mình. Vì thế mà rất ít ai trong chúng ta có thể hiểu được bản thân mình. Nhưng khát khao được thấu hiểu lại vô cùng lớn. Vì không thể hiểu nổi bản thân, nên chúng ta vô cùng khao khát được người khác thấu hiểu. Càng không hiểu mình bao nhiêu, lại càng ham muốn người khác hiểu mình bấy nhiêu.

Thực chất khát khao muốn được người khác hiểu của một người bắt nguồn từ ham muốn được thỏa mãn. Thỏa mãn cảm giác được công nhận, được tôn vinh, được hiểu cho nỗi khổ, được thương hại, được đặc biệt… Nó bắt nguồn từ sự ích kỷ, mong muốn được đáp ứng những mong cầu cảm xúc và vật chất từ người khác. Thêm một sự thật khác, nếu thực sự có ai đó có thể thấu hiểu bạn, bạn sẽ cảm giác run sợ hơn là thích thú. Vì thế mà câu nói “mong muốn được thấu hiểu” thực chất hoàn toàn là “mong muốn được đáp ứng nhu cầu cảm xúc và vật chất”.
Nhận thức về việc tự thấu hiểu chính mình
Một số người nhận ra rằng mình vốn chẳng hiểu gì về bản thân, và bắt đầu hành trình khám phá và tìm hiểu về chính mình. Họ nhận ra rằng việc không thể hiểu nổi chính mình gây cản trở nhiều cho cuộc sống của họ. Họ cảm thấy thật vô vị khi lao đầu vào đời làm việc, kiếm tiền, chạy theo cuộc sống của người khác mà chẳng hề biết một chút gì về chính mình, rằng mình là ai.
Tuy nhiên, hành trình tự thấu hiểu bản thân đôi lúc lại không dễ dàng, hoặc thậm chí là khó khăn. Có một điều đáng mừng rằng khi bạn nhận ra mình cần và bắt đầu tự thấu hiểu chính mình, bạn đã đi được 50% chặng đường. Một người không có ý thức này tuyệt nhiên không có lấy một phần trăm cơ hội nào để thấu hiểu được bản thân. Họ sẽ mãi sống như một kẻ không hồn: mãi cảm thấy cuộc đời là đống hỗn độn và luôn trách đời, trách người hoặc tự trách bản thân mà chả hiểu gì.
Vì sao bạn không thể thấu hiểu chính mình
-
Không dành thời gian để tìm hiểu về bản thân
Dù có ý thức tự thấu hiểu bản thân, nhưng bạn lại quá bận rộn. Bạn dành nhiều thời gian cho công việc, đi lại, suy nghĩ, chăm sóc gia đình. Khi rảnh rỗi, như một thói quen, bạn sẽ vớ lấy điện thoại hoặc sách để xem. Tâm trí bạn không lúc nào là nghỉ ngơi. Và bạn cũng không có giây phút nào để thử tập thấu hiểu chính mình. Việc con người không thể hiểu được chính mình trở nên rất phổ biến trong xã hội hiện đại là bởi vậy.
Con người quen với việc phải làm cho tâm trí bận rộn với những thứ xung quanh. Nếu không còn gì xung quanh thì họ sẽ bận rộn với mạng xã hội và sách báo. Con người không có thói quen dành thời gian cho bản thân đúng nghĩa. Một khoảng thời gian chỉ có bạn và chính bạn. Không đi kèm những thiết bị điện tử, sách báo, tập vở, công việc, gia đình… Hầu hết con người đều cảm thấy vô cùng cô đơn khi chỉ có một mình. Sự cô đơn ấy làm con người sợ hãi tột cùng. Sợ hãi đến mức họ luôn phải làm gì đó, bất kể là làm gì.

Việc dành thời gian cho bản thân, cũng đồng nghĩa bạn sẽ dần tập với sự một mình. Bạn tập sống chỉ với một mình mình trong 1,2,10,20 phút. Bạn sẽ làm quen với chính mình, sẽ rất bỡ ngỡ đấy. Trong vài giây phút đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy thật lạ lẫm. Đúng vậy bạn cảm thấy lạ lẫm với chính con người bạn.
-
Từ chối hiểu
Nghe thật lạ đúng không nào? “Vì sao tôi đã có ý thức phải tự thấu hiểu chính mình mà lại còn từ chối hiểu?” Đó là cơ chế phòng vệ thường thấy của con người. “Tôi muốn thay đổi nhưng lại từ chối thay đổi” – bạn muốn cuộc sống khác đi nhưng ngại phải có những sự khác đi bên trong mình. Con người sẽ luôn có xu hướng cự tuyệt những điều gì mang tính thay đổi bên trong. Vì thế mà để có thể thấu hiểu chính mình, bạn cần học cách chấp nhận những sự khác đi ở bên trong mình. Cho dù bạn nhìn thấy điều gì ở bên trong mình, cho dù bạn cảm nhận sự gì khác biệt ở bên trong mình, cũng hãy nhẹ nhàng và chậm rãi tiếp nhận nó.
Sự thấu hiểu bản thân bắt đầu bằng việc tiếp nhận những cảm xúc của chính mình. Sau đó là tiếp nhận những điều ẩn sâu sau những cảm xúc ấy. Chỉ khi bạn tiếp nhận những điều sâu kín bên trong mình một cách nhẹ nhàng, bạn mới có thể hòa nhập với chúng, và khám phá được chúng.
-
Không chấp nhận những phần “đen tối” bên trong mình
Ai nấy cũng có những định nghĩa “hoàn hảo” về bản thân. Ngoại trừ những gì con người tự nhận định về mình, phần còn lại đều là thứ không được chấp nhận. Nếu những thứ không được chấp nhận vẫn xuất hiện bên trong người ấy, chúng sẽ được xem là thứ “đen tối”. Bạn cố gắng chối bỏ những thứ bên trong mình: cảm xúc, suy nghĩ, tính cách của mình. Làm sao bạn có thể hiểu được bản thân khi cố gắng chối bỏ bản thân. Để có thể hiểu được toàn diện về chính mình, bạn cần phải chấp nhận toàn bộ những gì thuộc về mình. Mọi thứ đều có sự xâu chuỗi và liên kết với nhau. Sẽ thật khó để tìm ra lời giải cho một câu đố chỉ còn một nửa.
Thực tế, chẳng có gì đen tối bên trong bạn cả. Chẳng có gì sai khi bạn có chút tham lam, toan tính. Cũng chẳng có gì sai khi bạn có những ý nghĩ xấu xa. Con người luôn có đủ những điều tốt đẹp và xấu xí. Chỉ là giống như bạn, những người khác cũng cố gắng che giấu bản thân. Ai nấy cũng cố gắng “đẹp khoe xấu che”. Không ai là hoàn hảo. Con người mang đủ trong người: tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến và cả sự ảo tưởng. Chỉ là mỗi người lại tham một thứ khác nhau. Và có định kiến với những thứ khác nhau. Hãy chấp nhận chính mình, không cố gắng che giấu chính mình khỏi chính mình.

-
Cố tình hiểu sai lệch về chính mình
Vì không chấp nhận nổi những phần “đen tối” của mình, con người có xu hướng cố tình hiểu sai lệch về chính mình. Bạn cố tình diễn giải sai lệch về chính mình, thay vì đi tìm hiểu sự thật. Những lời bao biện được nghĩ ra. Ngay cả trong nhật ký, trong tâm trí của mình, bạn cũng chỉ toàn nói dối. Lời nói dối này dẫn dắt lời nói dối khác. Bạn tự vẽ vời và suy diễn mọi thứ về mình cho hợp thức hóa. Mỗi ngày bạn lại tạo thêm một cái nhìn sai lệch về chính mình, chồng chất lên nhau. Bạn dần chẳng còn biết mình là ai nữa. Những gì bạn biết về chính mình là đống mặt nạ tự vẽ.
Một người có xu hướng cố tình hiểu sai lệch về bản thân, sẽ luôn hành xử theo mô thức này. Nếu bạn là người có xu hướng vẽ tốt về mình, bạn sẽ dẫn dắt mọi thứ theo chiều hướng tốt cho chính mình, đổ lỗi cho hoàn cảnh, tạo dựng hoàn cảnh bản thân bị đẩy vào thế bắt buộc. Nếu bạn là người có xu hướng vẽ xấu về bản thân, ngược lại, bạn sẽ diễn giải mọi thứ theo ý xấu, cố gắng ép tội bản thân theo hướng tiêu cực nhất, ép mình phải nhận hết mọi lỗi lầm, dù nhiều thứ chẳng liên quan đến mình. Sau đó là những kết luận hết sức vô căn cứ về chính mình.
-
Điên cuồng theo đuổi hình ảnh tiêu chuẩn nào đó
Con người thích thú với việc trở thành một ai đó, hơn là hiểu mình là ai. Vì thế mà họ dành cả đời chỉ để điên cuồng chạy theo một hình ảnh nào đó, rồi cuối đời lại tự hỏi “Ý nghĩa cuộc sống này là gì?”. Con người thích thú với việc trở thành một ai đó đến mức họ dành 24/24h mỗi ngày chỉ để sống cuộc đời của ai đó, không phải của mình. Họ cố gắng ép mình phải khác đi, phải không được là chính mình nữa. Nó đã trở thành một thói quen khó bỏ. Một thói quen tệ hại: luôn chèn ép con người thật của mình và cố gắng nặn ra một con người mới.
Bạn thậm chí còn dành nhiều thời gian để cố gắng hiểu về hình tượng mình theo đuổi: “Hình tượng này có nỗi khổ gì? Tâm tư ra sao? Điều gì có thể làm hình tượng này phiền lòng? Nội tâm của hình tượng này như nào? Tính cách ra sao? Hình tượng này có thể phải trải qua những gì?” Thật buồn cười đúng không nào, bạn lại chẳng thể kiên nhẫn như thế để tìm hiểu về chính mình?
Kết
Bắt đầu có nhận thức phải tự thấu hiểu chính mình là bạn đã hoàn thành 50% hành trình. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải nỗ lực để có thể hoàn thành 50% còn lại của hành trình ấy. Con người không tự dưng hiểu được mình, hiểu được người. Bất kỳ ai cũng phải dành thời gian cả đời để tìm tòi, khám phá chính mình. Mỗi ngày đều là một ngày mới của bạn, mỗi ngày lại có một điều khác về chính mình cần được thấu hiểu. Hãy bắt đầu bằng việc nhẹ nhàng với chính mình, tiếp nhận và chấp nhận con người thật của mình. Mỗi ngày một chút, bạn sẽ hoàn toàn biết được mình là ai và ý nghĩa cuộc sống của mình là gì.
Xem thêm: Thấu hiểu bản thân bằng cách nào?