Vì sao có những người bị bạo hành nhưng vẫn không rời đi?
Mie
author
Có bao giờ bạn cảm thấy khó hiểu khi một cô gái bị bạn trai đánh đập nhưng lại không chịu rời đi. Ngược lại còn bênh vực người bạn trai kia chưa? Hay có bao giờ bạn thấy nhiều gia đình bất hòa và bạo hành liên tục nhưng lại không tìm cách để giải thoát cho nhau? Nhiều người bị bạo hành nhưng không thể rời đi, vẫn cam chịu. Đó chính là một hiện tượng tâm lý tạm gọi là gắn kết đau thương.
Gắn kết đau thương nghĩa là gì?
Là một kiểu tình cảm gắn bó mãnh liệt giữa người bị lạm dụng và kẻ bạo hành. Tình cảm ở đây không phải là sự yêu thương mà là sự độc hại xen lẫn yêu thương. Kẻ bạo hành sẽ lợi dụng, thao túng đối phương đồng thời cũng tỏ ra những hành động thể hiện tình yêu với họ. Hành động vừa đấm vừa xoa này sẽ khiến đối phương cảm thấy mất đi sự tự chủ ở bản thân, sẫn sàng cam chịu sự độc hại mình trải qua.
Gắn kết đau thương có thể xảy ra ở mọi mối quan hệ từ bạn bè, tình yêu, đồng nghiệp, gia đình,…Trong mối quan hệ bạn bè, kẻ bạo hành sẽ sai khiến hoặc chỉ trích bạn nhưng lại khiến bạn cảm thấy mình không thể phản kháng lại. Vì kẻ đó cũng đã từng làm những việc tốt để giúp đỡ mình. Hoặc cha mẹ đánh đập con cái nhưng đứa trẻ lại sẵn sàng chịu đựng vì cho rằng cha mẹ có quyền làm như vậy với chúng. Người vợ cứ để chồng đánh đập mình và nghĩ rằng họ vẫn đang yêu mình.
Những giai đoạn của gắn kết đau thương
Đây là một kiểu tâm lý vô cùng độc hại khiến cho người bị hại sẽ sống mãi trong một vòng luẩn quẩn. Vòng luẩn quẩn này gọi là chu kỳ bạo hành. Một chu kỳ bạo hành sẽ có 7 giai đoạn khác nhau tương ứng với 7 giai đoạn tâm lý:
1. Xây dựng tình yêu
Đây là giai đoạn đầu tiên mà kẻ bạo hành sẽ liên tục gửi gắm tình yêu nồng cháy cho bạn. Có thể là gửi những bó hoa to trước cửa, mua đồ ăn sáng cho bạn mỗi ngày hay chủ động dẫn bạn đi mua sắm. Những hành động này thể hiện họ yêu bạn rất nhiều, tất cả những gì họ làm đều là muốn tốt cho bạn. Và bạn cũng sẽ dần cảm thấy đối phương yêu mình thật lòng. Từ đó sẽ buông bỏ cảnh giác và nương tựa vào đối phương nhiều hơn.
2. Chiếm lấy niềm tin
Sau khi bạn đã có cảm tình với kẻ bạo hành, họ sẽ dùng nhiều cách khác nhau để khiến bạn cảm thấy tin tưởng. Họ đề nghị sống chung hoặc kết hôn để cho bạn thấy họ nghiêm túc với mối quan hệ này. Hoặc họ sẽ trao cho bạn quyền được quản lý họ để bạn cảm thấy được an toàn, bao bọc. Những người ái kỷ hay gặp các vấn đề tâm lý thường rất muốn nhận được niềm tin từ nửa kia của mình. Nhưng rõ ràng mục đích của họ không hề tốt đẹp như vậy.
3. Xung đột xảy ra
Đây là giai đoạn sau khi đã hoàn toàn chiếm được tình cảm của bạn, họ sẽ trở nên thay đổi với ban đầu. Họ thương xuyên chỉ trích bạn nhất là khi xung đột xảy ra cực điểm. Như mắng nhiếc bạn vì về muộn không kịp nấu cơm, chê trách bạn không đủ khả năng lo cho họ. Họ luôn tỏ ra bản thân bị tổn thương từ những gì bạn làm. Hay thậm chí họ xúc phạm bạn và coi đó là điều đương nhiên. Lời nói của họ khiến bạn cảm thấy mình xứng đáng bị xúc phạm. Họ sẽ luôn đổ lỗi mọi thứ cho bạn. Và bạn sẽ tự trách bản thân mình nhiều hơn.
4. Xảy ra bạo hành
Đây chính là giai đoạn họ bộc phát ra thú tính của mình. Bạo hành ở đây bao gồm hung hăng, đe dọa, đánh đập, chửi bới,… Tất cả những hành động xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của nạn nhân. Họ sử dụng bạo hành như một lời nhắc nhở bạn “Ai mới thực sự là chủ nhân ở đây”. Trong đa số trường hợp, bạo hành sẽ xảy ra nhiều lần thậm chí là thường xuyên mỗi ngày.
5. Hòa giải
- Thao túng tâm lý: Trong giai đoạn này, kẻ bạo hành sẽ có hành động hoặc lời nói thể hiện sự hối hận của bản thân. Họ sử dụng chiến thuật tâm lý như: tôi làm vậy chỉ để muốn tốt cho bạn mà thôi, tôi đã xin lỗi bạn rồi còn gì nữa. Nạn nhân sẽ bị thuyết phục đến mức chính họ cũng nghĩ bạo hành không phải là chuyện gì to lớn, không có gì phải nhắc đến. Kẻ lạm dụng cũng tìm cách cô lập người bị hại ra mọi thứ có thể giúp họ trốn thoát.
- Hối lỗi: Kẻ lạm dụng sẽ xin lỗi và cầu mong được sự tha thứ. Họ tỏ ra đáng thương và tự trách mình vì những hành động nông nổi. Một số người còn hay xin lỗi bằng việc lấy mạng sống của mình ra đe dọa để bắt ép đối phương phải tha thứ cho mình. Trong một số trường hợp, kẻ bạo hành hối lỗi thật sự nhưng chỉ trong chốc lát. Và số còn lại thì chỉ xin lỗi để tiếp tục hành hạ nạn nhân.
- Viện cớ: Người bạo hành sẽ dùng lý lẽ biện minh cho hành vi sai trái của mình. Họ nói rằng “Bởi vì anh quá yêu em nên anh mới làm như vậy” hay “Anh lo sợ một ngày sẽ đánh mất em”. Hoặc họ sẽ viện cớ để đổ hết lỗi lầm cho nạn nhân nhằm lảng tránh trách nhiệm “Em biết anh hay ghen rồi mà em còn nhắn tin với người khác”.
6. Cam chịu
Khi đối mặt với bạo hành, nạn nhân thường có xu hướng chịu đựng vì không muốn tồi tệ thêm. Hoặc do bị thuyết phục quá mức khiến họ tin bạo lực cũng không đáng sợ như vậy. Đối phương làm vậy chỉ vì muốn tốt cho mình mà thôi. Từ đó, nạn nhân sẽ tiếp tục nhẫn nhịn cho qua đi mọi chuyện.
7. Chu kỳ lặp lại
Gắn kết đau thương sẽ được lặp đi lặp lại từ lúc bị bạo hành rồi xin lỗi, xin lỗi rồi lại bạo hành. Vòng luẩn quẩn này sẽ khiến nạn nhân ngày một thấy tồi tệ hơn nhưng lại không biết phải làm sao để trốn chạy. Họ trở thành một con mồi mắc kẹt, không biết rằng mình đã sập bẫy, và khi biết mình sập bẫy rồi thì dường như đã quá muộn.
Vậy tại sao nạn nhân lại không rời đi?
Chắc hẳn các bạn đều thắc mắc sao nạn nhân không chịu rời đi, kể cả khi họ biết họ bị bạo hành. Thật sự có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, tiêu biểu có thể kể đến như:
1. Sự phụ thuộc vào kinh tế
Nạn nhân có thể là người không có công việc ổn định, thiếu kỹ năng sống hoặc không tự chủ được kinh tế. Họ cần một chỗ dựa về tài chính như gia đình, người yêu, họ hàng. Và tất nhiên khi bị phụ thuộc họ sẽ không có quyền đưa ra bất kỳ yêu cầu nào cho mình. Việc bị lăng mạ, xúc phạm khi ở nhờ nhà họ hàng, bị đánh đập từ chính người yêu/vợ/chồng của mình đã không còn quá xa lạ. Họ không có tiếng nói nên cho dù bị bạo hành cũng không có can đảm rời đi.
2. Bạo hành đến từ những người yêu thương
Hầu hết những nạn nhân không dám rời đi vì kẻ bạo hành họ lại chính là người họ rất yêu thương. Như cha mẹ đánh đập con cái nhưng con cái không nỡ rời xa cha mẹ. Chồng bạo hành vợ nhưng vợ lại quá yêu chồng nên cũng vẫn chịu đựng. Hay thậm chí là con cái ngược đãi cha mẹ già nhưng cha mẹ vẫn thương yêu máu mủ của mình.
Đây là tình yêu mù quáng giữa nạn nhân đối với kẻ lạm dụng. Họ cho rằng mình có thể nguyện ý chết vì người kia, có thể chịu đựng tất cả chỉ cần ở bên họ. Hoặc họ nghĩ đó là những người thân cũng mình, đúng sai gì mình cũng không được rời xa họ. Thậm chí có nhiều người còn hi vọng mình sẽ thay đổi được đối phương, sẽ khiến đối phương tốt hơn. Đó chỉ là tâm lý tự an ủi chính mình, tự động viên mình vượt qua sau mỗi trận bạo hành mà thôi.
3. Nạn nhân lo sợ
Kẻ bạo hành thường không dừng lại hành vi tồi tệ của mình cho đến khi được sự can thiệp từ bên ngoài. Những người này thường có tâm lý đe dọa đối phương khi biết họ có ý định rời đi. Hoặc khi đối phương tìm kiếm sự giúp đỡ. Kẻ bạo hành sẽ dập tắt hết hy vọng để đối phương phải cam chịu suốt đời. Nạn nhân thường cảm thấy lo sợ và không dám rời đi.
Nhưng ở lại cũng ẩn chứa đầy nguy hiểm. Họ có thể bị chửi bới, đánh đập bất cứ khi nào. Nhưng khi họ muốn rời đi, họ lại bị đe dọa và sỉ nhục. Dẫn đến họ không có đủ can đảm để chống lại kẻ bạo hành mình.
4. Ràng buộc từ xã hội
Xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục như đã lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì phải theo con. Hoặc là việc trọng nam khinh nữ. Và cả những đạo lý: dù cho mẹ có sai thì vẫn là cha mẹ, con cái không được phép cãi lại, như thế là hỗn láo. Những điều này tuy không còn quá phổ biến như ngày xưa, nhưng đến nay vẫn còn gây ra nhiều tác động đến xã hội hiện tại.
-
Ràng buộc người phụ nữ
Mỗi vụ bạo hành gia đình xảy ra, người vợ thường không dám lên tiếng vì lo rằng ảnh hưởng đến thanh danh của gia đình. Hay kể cả họ dám đứng lên nói thì cũng chưa chắc dám rời đi. Vì họ lo sợ ánh mắt họ hàng dèm pha, lo lắng cho tương lai con cái họ sau này. Con cái cũng trở thành sợi dây ràng buộc giữa họ và kẻ bạo hành. Nhiều người còn thậm chí lấy con cái ra làm cái cớ để ép buộc nạn nhân phải sống với mình. Họ muốn vùng vẫy, phản kháng nhưng lại bị kìm kẹp bởi những xiềng xích của xã hội.
-
Ràng buộc những đứa con
Những người con không thể chống đối cha mẹ bạo hành, họ không thể kiện cha mẹ của mình. Họ cũng chẳng có nơi nào để đi. Cả xã hội đều không đứng về phía những đứa con ấy. Tất cả đều chỉ khuyên đứa bé ấy: dù gì họ cũng là cha mẹ, là người sinh ra con. Công sinh bằng trời bằng bể, làm sao báo đáp hết. Những trói buộc đạo đức của xã hội đã đẩy đứa trẻ lún sâu hơn vào bạo lực gia đình, và chịu tổn thương nặng nề. Tương lai nào dành cho đứa trẻ với quá nhiều vết thương trong tâm hồn, và quá nhiều vết sẹo trên cơ thể như thế.
Làm sao để những nạn nhân thoát ra việc bị bạo hành?
1. Nhận thức được mình đang bị gắn kết đau thương
Hãy tự nhìn nhận lại mối quan hệ của mình và tự vấn “Mình có đang thực sự hạnh phúc không?”. “Họ có thật sự đối đãi với mình hay chỉ là giả tạo?” “Mình có bị xúc phạm hay đánh đập không?” Những câu hỏi này sẽ giúp bạn định vị mức độ nguy hiểm khi bị bạo hành.
Và khi có những biểu hiện bị bạo hành, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra. Việc nhận ra sớm sẽ giúp bạn dễ dàng thoát ra khỏi chu kỳ bạo hành. Nếu như bạn vẫn còn mông lung về việc bị bạo hành có thể tham khảo một số cách sau:
- Viết nhật ký: hãy viết ra tất cả những gì bạn đang trải qua. Những câu từ sẽ giúp bạn sắp xếp lại những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Chúng sẽ giúp bạn nhận dạng dễ dàng việc mình có đang bị hạo hành hay không.
- Tìm kiếm quan điểm tương tự: tham khảo những quan điểm về bạo hành. Có nhiều quan điểm về bạo hành trên các trang thông tin. Bạn có thể đọc và so sánh với hoàn cảnh hiện tại để biết được mình đang bị bạo hành ở mức độ nào.
- Chia sẻ với bạn bè, người thân: đừng ngại chia sẻ với những người thân của mình. Họ sẽ nhắc bạn nhớ về giá trị của mình, và khẳng định cho bạn biết tình cảnh hiện tại của mình là gì. Hãy chia sẻ với những người thật sự yêu thương và quan tâm bạn.
2. Lên kế hoạch cho sự an toàn
Bạn cần lên kế hoạch để bảo vệ bản thân mình khi nhận thấy mình đang bị bạo hành. Có thể là chuẩn bị một nơi ở an toàn chỉ có bạn biết, lên danh sách những người bạn có thể cầu cứu. Hay chuẩn bị bằng chứng việc bạn bị tổn thương thể xác và tinh thần. Việc này nhằm giúp bạn cảm thấy an toàn hơn được phần nào. Cũng như không phải chịu thêm lần bạo hành nào nữa.
3. Hiểu giá trị của bản thân
Bạn cần hiểu rõ giá trị của mình, ý nghĩa của cơ thể và tinh thần của mình. Bạn sinh ra được nuôi nấng và bao bọc bởi cơ thể quý giá, tại sao lại để nó chịu thương như thế. Tại sao lại không trân trọng cơ thể thiêng liêng đã luôn che chở cho tâm hồn bạn. Bạn sinh ra là để sống như một con người bình thường, có quyền sống, quyền tự do, quyền hưởng hạnh phúc. Vậy cớ sao bạn lại để cho tinh thần của mình chết dần chết mòn trong bạo lực như thế.
Hãy thử nhìn lại xem, bạn đã mang điều gì đến với mình? Bạn mang đến đau đơn cho thân xác của mình. Bạn đầu độc tinh thần của mình bằng việc chịu đựng. Bạn giam cầm tâm hồn mình bởi sự nhu nhược của mình. Bạn tự giết chết mình vì bạn quá hèn nhát, không dám bỏ chạy.
Tất cả những thứ quý giá nhất đối với bạn, mà khi sinh ra bạn đã có, giờ đang ở đâu? Phải chăng đã bị bạn phá nát cả rồi? Hãy tỉnh táo lên và mang tất cả chúng trở lại. Hãy đem trả mình về với tự do. Hãy yêu quý cơ thể của mình. Hãy làm cho tâm hồn của mình sống lại, một cách mạnh mẽ và trọn vẹn. Hãy để cho mình được tái sinh như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn. Hãy trao trả những điều tốt đẹp nhất lại cho bản thân mình.
4. Vượt qua những gắn kết đau thương
Bạn cần hiểu rằng không ai có quyền bạo hành bạn dù cho có là cha mẹ, vợ, chồng. Kể cả bạn cũng không được phép tự bạo hành chính mình. Việc bạo hành ngôn từ hay vũ lực đều là sai trái và cần được lên án. Không có tình yêu nào được định nghĩa thông qua sự bạo hành. Hãy tỉnh táo để nhìn nhận sự sai trái và ghê tởm của đối phương. Một chút việc tốt họ từng làm không nói lên con người của họ ở hiện tại. Họ chỉ là đã từng tốt, còn hiện tại thì không.
Bạn không mắc nợ gì ở họ cả. Những gì họ làm xuất phát từ mong muốn của họ, không phải vì bạn. Họ từng đối tốt với bạn, vì họ từng là người tốt, không phải vì bạn. Hiện tại họ bạo hành bạn, vì họ hiện tại đã là người xấu. Họ đã sinh bạn ra, vì họ muốn thế, không phải vì bạn van nài họ sinh mình ra. Hiện tại họ không còn muốn yêu thương bạn nữa, là bởi vì tình yêu trong họ đã cạn kiệt, không liên quan gì đến bạn.
Đừng tin những lời nói thao túng của họ. Hãy nhìn nhận thật rõ con người của họ thông qua những gì họ đang đối xử với bạn để cắt đứt mối quan hệ gắn kết đau thương này.
5. Không để kẻ bạo hành tiếp tục hành vi sai trái
Bạn có thể sẽ cần có sự dũng cảm đứng lên chống trả lại kẻ bạo hành. Tuy rằng việc này cần đòi hỏi sự can đảm rất nhiều, nhưng để đổi lấy tự do của chính mình, điều này là hoàn toàn xứng đáng. Bạn có thể phản kháng bằng cách đối đáp lại đối phương khi họ mắng nhiếc bạn. Hay sẵn sàng báo cảnh sát nếu họ định lạm dụng hoặc đánh đập bạn. Bạn cần thể hiện cho họ thấy mình không dễ bị bắt nạt. Và bạn sẵn sàng vượt qua những rào cản để buộc tội kẻ bạo hành.
Bạn cứng rắn thể hiện cho họ biết nếu họ không ngừng hành vi bạo hành lại, bạn sẽ chấm dứt mối quan hệ hiện tại.
Trong nhiều trường hợp sự cứng rắn có thể gây ra bất lợi cho bạn, bạn có thể nhờ đến những chuyên gia, hay cảnh sát để giúp bạn lên phương án hợp lý và hiệu quả hơn để có thể rời xa kẻ bạo hành. Miễn sao bạn muốn rời xa họ, nhất định sẽ có cách thích hợp dành cho bạn. Đừng vì chút khó khăn này mà từ bỏ, rồi lại tiếp tục cam chịu bạo hành.
6. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Nếu như bạn vẫn còn quá yếu đuối không dám đứng lên, bạn có thể tìm sự trợ giúp từ cộng đồng xã hội. Hiện nay mạng xã hội phát triển, rất nhiều nạn nhân đã lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Và cách này thực sự có hiệu quả. Rất nhiều vụ bạo lực gia đình đã được phát giác và phơi bày ra ánh sáng. Kẻ xấu cũng sẽ bị trừng trị thích đáng. Trong xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt sẵn sàng bảo vệ bên yếu thế.
Vì vậy nếu bạn gặp khó khăn đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác nhé.
Kết
Mong rằng tất cả những người bị bạo hành có thể can đảm rời đi mà không ngoảnh đầu lại. Dẫu biết rằng cuộc sống muôn màu muôn vẻ, nhưng việc cần nhất vẫn là tự yêu lấy chính mình. Hãy tự bảo vệ mình khỏi những tổn thương thể xác và tinh thần nhé.