Vì sao con người có giấc mơ?
Mie
author
Khi chìm vào giấc ngủ, những giấc mơ kỳ diệu hay những cơn ác mộng đen tối thường xuất hiện song song nhau. Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao chúng ta lại mơ? Đằng sau mỗi giấc mơ đó mang ý nghĩa gì?
Giấc mơ là gì?
Giấc mơ là ảo giác xảy ra trong giấc ngủ. Và chúng lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Giai đoạn này có sự tương đồng với trạng thái thức giấc của một người. Nói cách khác, giấc mơ mang lại những cảm xúc giống như những việc xảy ra thật với chúng ta. Có thể là vui, buồn, hạnh phúc, tức giận,… Mọi giác quan hay trí tưởng tượng đều diễn ra chân thật giống như con người thực sự trải qua cảm giác đó.
Tại sao giấc mơ lại xuất hiện?
Mỗi ngày chúng ta trải qua nhiều trải nghiệm và cảm xúc khác nhau. Khi ngủ sâu, những chất dẫn truyền thần kinh điều khiển logic và sự chú ý bị giảm đi. Do vậy, bộ não sẽ phân bổ những khoảnh khắc cảm xúc trong ngày vào trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhưng chúng sẽ phân bổ một cách ngẫu nhiên. Điều này lý giải vì sao chúng ta có giấc mơ, và giấc mơ thường kỳ lạ.
Trí não sẽ so sánh những sự kiện bạn trải qua mới đây với những ký ức đã có từ lâu. Vì vậy nhiều người thường hay nằm mơ thấy những kỷ niệm thời ấu thơ. Hoặc những nỗi buồn họ không thể quên được. Hoặc lý do khác hình thành nên giấc mơ là con người quá suy nghĩ về một thứ gì đó. Khi chúng ta tập trung quá nhiều, bộ óc sẽ điều chỉnh để tìm ra những thông tin cần thiết. Điều này giải thích việc bạn hay mơ về người thân đã mất hoặc những gì còn nuối tiếc.
Ý nghĩa của những giấc mơ
Phản ánh những ham muốn bị kiềm chế
Nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud đã từng đề xuất rằng giấc mơ đại diện cho con người. Nói cách khác, nó đại diện cho mong muốn, suy nghĩ và cả những ước mơ. Đặc biệt giấc mơ đại diện cho những mặt tối thầm kín ở mỗi người.
Những bản năng bị đè nén như hiếu thắng, ham muốn vật chất hay tình dục luôn chi phối chúng ta. Tuy nhiên, khi con người thức bộ não sẽ tự động át chế đi để dành chỗ cho những bản năng khác. Vì vậy, những ham muốn ở đời thực sẽ vô thức đi vào giấc mơ của bạn. Nó giúp bạn nhận ra sự tồn tại và giải tỏa chúng. Giấc mơ giống như một thế giới vô hình tồn tại những điều mà ta không dám thừa nhận.
Bộc lộ những mong muốn thầm kín
Tuy nhiên, giấc mơ chưa hẳn đã là những suy nghĩ đen tối. Những ức chế trong cuộc sống hay những vấn đề trong hôn nhân cũng có thể dẫn đến những giấc mơ. Những áp lực từ môi trường bên ngoài thúc giục con người tập trung vào đó. Không khỏi ngạc nhiên nếu có người mơ mình hoàn thành deadline hay mơ rằng mình đã giải được bài toán khó nào đó.
Những khuyết thiếu về nhu cầu tinh thần cũng sẽ khiến giấc mơ lặp đi lặp lại. Những nhu cầu này bao gồm quyền tự chủ, sự độc lập hay mong muốn hòa nhập. Khi bạn thiếu tình yêu từ gia đình hay hôn nhân bạn có thể mơ mình được hạnh phúc, lặp đi lặp lại. Hay những đứa trẻ quá áp lực do kỳ vọng của bố mẹ cũng liên tục mơ thấy mình đứng trước phòng thi nhưng chưa học chữ nào.
Giúp con người củng cố trí nhớ
Chúng ta thường trải qua một ngày với vô vàn cảm xúc khác nhau. Những trải nghiệm mới, bài học mới đôi khi còn quá mới mẻ nên ta chưa thể ghi nhớ sâu được. Và khi chúng ta ngủ, bộ não của mình có thời gian được nghỉ ngơi. Chúng sẽ nhìn nhận những hoạt động đã qua và khắc sâu vào tiềm thức. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều người khi đọc sách xong rồi đi ngủ thường có khả năng nhớ lâu hơn người khác. Hay những người đi ngủ với một mớ rắc rối có thể sau khi tỉnh lại họ sẽ tìm ra được cách giải quyết và ghi nhớ chúng.
Giải quyết những vấn đề trong đời thực
Bạn hẳn đã từng trải qua những cơn ác mộng đáng sợ và không mấy thích thú về điều đó. Bạn mơ thấy bạn rơi từ vực thẳm hay bị truy sát bởi một tổ chức nào đó. Những trải nghiệm hành động ấy được gọi là “diễn tập bản năng nguyên thủy”. Có nghĩa là những giấc mơ đó cho phép bạn luyện tập khả năng chiến đấu, tăng cường tính nhạy bén. Và chúng diễn ra giống như thật để phòng trường hợp bạn sẽ gặp chuyện tương tự trong đời thật.
Ngoài ra, khi bạn ngủ trí tưởng tượng của bạn sẽ không bị giới hạn bởi khuôn khổ nào cả. Những vấn đề bạn đau đầu trong cuộc sống có thể được giải quyết trong giấc mơ. Điều này đã được chứng minh hoàn toàn có thật. Nhà hóa học đại tài Mendeleev đã tìm ra cách sắp xếp các nguyên tố hóa học sau một giấc mơ.
Chữa lành vết thương tâm lý
Trong khi ngủ bộ não chúng ta sẽ được thư giãn và giảm căng thẳng sau một ngày làm việc. Ngay cả khi mơ về kỷ niệm đau thương ta cũng sẽ thấy bớt đau hơn. Hay nói cách khác giấc mơ như liều thuốc giảm đau khi ta mơ về nỗi buồn hay những kỷ niệm đã qua. Giấc mơ giúp mài mòn ký ức đau đớn để tạo không gian cho việc chữa lành.
Trải nghiệm lại nỗi đau với mức độ căng thẳng thấp hơn trong mơ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn, rõ ràng hơn. Từ đó tăng khả năng đối mặt và xử lý chúng. Khi bạn chưa chấp nhận được chia tay người yêu, có thể sau một vài giấc mơ bạn sẽ cảm thấy dễ buông bỏ hơn. Hoặc khi trải qua thất bại nào đó, bạn cũng sẽ dễ chấp nhận hơn trong mơ. Khoa học đã chứng minh những người mất ngủ sẽ dễ có nguy cơ mắc các bệnh tâm lý hơn người bình thường.
Kết
Có rất nhiều điều bí ẩn xoay quanh những giấc mơ mà chưa ai có thể lý giải được. Đằng sau chúng đó có lẽ còn ẩn chứa những điều mà con người chưa chạm tới. Nhưng giấc mơ cũng đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người. Hãy trân trọng mỗi giấc mơ để cảm nhận được nhiều giá trị của chính mình.