Viết nhật ký để chữa lành là gì? Vì sao nên viết nhật ký để chữa lành?
Phương Dung
author
Viết nhật ký, viết để chữa lành không còn gì quá xa lạ với cộng đồng chữa lành, phát triển bản thân. Nhưng vẫn còn rất nhiều định kiến, hiểu lầm về phương thức viết nhật ký làm cản trở những người đang bắt đầu quá trình chữa lành. Bài viết dưới đây sẽ xóa bỏ những rào cản đó, để quá trình chữa lành có thể tiếp cận với nhiều người hơn. Song song đem lại những kiến thức mới lạ về những dạng viết nhật ký để bạn có thể chọn cho mình một lộ trình viết nhật ký phù hợp nhất cho quá trình chữa lành của bản thân mình!
Viết nhật ký, viết để chữa lành khác viết bình thường như thế nào?
Khi được nói rằng viết nhật ký là một trong những cách vô cùng hiệu quả để chữa lành, nhiều người sẽ cảm thấy e ngại và thiếu dũng khí để thử. Bởi trong ký ức của họ, khi nói tới “viết” là nói tới những hành động ghi chép tẻ nhạt và mệt mỏi. Đó có thể là những buổi chép bài hàng nghìn trang giấy thời trung học, là hàng tiếng đồng hồ miệt mài ngồi phân tích một tác phẩm văn học hay chủ đề nghiên cứu nào đó.
Nếu bạn cũng cảm thấy vậy, hãy suy nghĩ lại một lần nữa. Vì sau đây sẽ là những lý do giúp bạn hiểu tại sao việc viết nhật ký khác hoàn toàn so với những gì bạn nghĩ về “viết”.
1. Tự do viết những gì mình thích
Khác với hoạt động viết thông thường, viết có mục đích như khi bạn viết phân tích một tác phẩm văn học hay một đề tài nghiên cứu nào đó; viết nhật ký, viết chữa lành chỉ đơn giản là viết về mình. Dù diễn tả những cảm xúc của bản thân không hề dễ. Nhưng viết nhật ký là tạo một khoảng lặng riêng cho bạn. Bạn không bị “ép buộc” phải viết hay ca ngợi bất cứ ai. Không phải viết trong tình trạng chán nản hay gọi ngắn gọn là … phải viết. Viết nhật ký, viết chữa lành là một cách để thể hiện cảm xúc và suy ngẫm về bản thân một cách tự nhiên.
Bạn có thể dùng bất kỳ ngôn từ nào mình thích. Bạn không cần viết câu có đủ ý, không cần phải đúng ngữ pháp. Câu văn có thể lủng củng, từ ngữ có thể lộn xộn. Chữ viết có thể xấu, không ngay ngắn, không theo hàng lối. Bạn có quyền tự do viết bất kỳ thứ gì mà bạn muốn, theo bất kỳ cách thức nào mà bạn thích. Không ai ép bạn viết, bạn chỉ viết một cách tự do.
2. Không tốn nhiều thời gian
Khi được giao phải viết một đề tài hay một bài phân tích, có thể bạn sẽ ngán ngẩm cố gắng kéo dài nó đến cuối tuần hoặc đến một định nghĩa ngày mơ hồ “ngày mai”. Bởi hoạt động viết bình thường đa số tốn rất nhiều thời gian và hàng giờ đồng hồ ngồi miệt mài từng chữ. Nhưng viết nhật ký/chữa lành không tốn nhiều thời gian như vậy. Bạn hoàn toàn có thể quyết định thời gian bạn muốn bỏ ra. Nếu bạn thích viết 1 tiếng, 30 phút, 15 phút hay thậm chí 5 phút cũng được. Bạn có thể viết mỗi ngày, nhưng cũng có thể 1 tuần 1 lần hoặc 1 tháng 1 lần. Miễn là bản thân bạn cảm thấy thoải mái và phù hợp với quá trình chữa lành riêng của bản thân.
3. Hoàn toàn trung thực
Nếu khi viết với mục đích để người khác đánh giá hoặc chấm điểm, bạn có thể sẽ phải vận dụng hết mọi khả năng văn học của mình để viết. Có thể bạn sẽ phải nói quá một chút, dùng nhiều từ hoa mỹ để ca thán một vẻ đẹp nào đó. Nhưng đó lại là điều cấm kỵ khi viết nhật ký. Bởi viết nhật ký, viết chữa lành cần phải trung thực hoàn toàn. Nếu bạn tức giận, hãy viết ra cơn giận đó. Nếu bạn căm hận, hãy viết sự căm hận đó. Nếu bạn hạnh phúc, hãy viết rằng “tôi hạnh phúc”.
Nhật ký là nơi bạn có thể trung thực với cảm xúc và suy nghĩ của mình, bởi không có bất kỳ ai phán xét bạn. Hãy viết ra tất cả suy nghĩ và cảm xúc của mình. Chỉ như thế bạn mới có cơ hội thấu hiểu được chính mình. Bạn sẽ tìm ra được nguyên nhân cho sự xấu hổ của mình và khắc phục. Bạn cũng có thể nhìn thấy điểm mạnh của mình mà phát huy. Chỉ khi trung thực với chính mình, bạn mới có thể hiểu được bản thân. Khi hiểu được chính mình, bạn có thể sống trọn vẹn trong cuộc đời này.
4. Dành cho tất cả mọi người
Nếu như hoạt động viết thông thường được coi chỉ dành cho “con nhà nòi”, những người có năng khiếu văn học hay có tâm hồn sâu sắc. Viết nhật ký, viết chữa lành dành cho tất cả mọi người. Điều duy nhất bạn cần khi viết nhật ký là một cây bút và khả năng viết chữ. Mọi năng khiếu văn học hay sáng tạo đều không cần cân nhắc tới.
Những điều thần kỳ viết nhật ký mang lại và các dạng nhật ký đặc biệt
Viết nhật ký là một cách diệu kỳ để tìm hiểu bản thân và chữa lành những vết thương cảm xúc. Viết nhật ký giúp bạn hòa mình vào một chuyến phiêu lưu. Gõ cửa ghé thăm những nơi sâu thẳm nhất bên trong tâm hồn bạn. Giúp bạn tự đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân và tự trả lời chúng. Viết nhật ký là một cách tuyệt vời để tự nhận thức và tìm hiểu về chính mình.
1. Hiểu bản thân mình hơn – Lời giải đáp cho cảm xúc và suy nghĩ của mình
Một trong những lợi ích thần kỳ nhật ký mang lại là giúp bạn hiểu bản thân mình hơn. Khi viết nhật ký, bạn buộc phải biểu đạt và diễn giải những cảm xúc của bạn thành lời. Và tìm hiểu tại sao bạn cảm thấy như vậy. Sau đó bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn; lý giải được nguồn gốc của những cảm xúc, hành động và từ đó dễ dàng thay đổi chúng.
-
Tìm hiểu và lý giải suy nghĩ và cảm xúc
Giả dụ bạn luôn cảm thấy mình dễ ghen tị và đố kỵ với thành công của những người khác. Khi viết những cảm xúc của bạn xuống và trả lời những câu hỏi tại sao, bạn sẽ có thể hiểu được lý do đằng sau hành vi đó. Có thể bạn ghen tị với họ vì họ đang có những gì bạn đang mong muốn. Sâu xa hơn là vì bạn muốn có mà chẳng có được, còn người khác lại có được. Có thể bạn cảm thấy bất công, cũng có thể bạn cảm thấy mình thật thiếu may mắn.
Khi hiểu rõ cảm xúc của mình, bạn có thể tự hỏi: “Làm sao để tôi không còn cảm thấy như thế? tư duy đúng đắn cho trường hợp này là gì?”. Đi tìm câu trả lời cho 2 câu hỏi này, chính là đi tìm lối thoát cho bản thân bạn. Lối thoát đưa bạn ra khỏi hố đen của cảm xúc tiêu cực.
-
Hình thành lối tư duy mới
Một vài lối suy nghĩ mới cho trường hợp này: Mục đích cuộc đời tôi là gì? Tôi đang theo đuổi mục đích cuộc đời của mình hay là theo đuổi những gì người khác có được? Thành công không phải là điều quan trọng duy nhất. Hành trình đi đến thành công là một điều quan trọng. Hành trình của mỗi người sẽ khác nhau vì bối cảnh, hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau. Tôi tập trung vào hành trình của mình, thay vì luôn so sánh với người khác. Tôi hiểu ai cũng có khó khăn và vinh quang của riêng mình. Không ai giỏi hơn ai, cũng không ai kém hơn ai. Mỗi người đều có giá trị riêng trong cuộc đời của chính mình.
Kết quả là, bạn vừa hiểu bản thân mình hơn, vừa xóa bỏ được một cảm xúc tiêu cực và vừa có được một tư tưởng mới phù hợp hơn cho bản thân mình. Thật kỳ diệu đúng không nào?
Cách viết: Viết ra cảm xúc và suy nghĩ của mình, và giải đáp chúng
Viết rõ và cụ thể những cảm xúc mình có được trong tình huống cụ thể và chi tiết nào. Từ đó trả lời những câu hỏi:
- Vì sao mình có cảm xúc/ suy nghĩ đó?
- Nó xuất phát từ đâu bên trong mình? Nếu nó xuất phát từ tổn thương trong quá khứ, hãy chữa lành tổn thương ấy. Nếu nó xuất phát từ tính cách của mình (tham lam, hiếu thắng, thiếu kiên nhẫn…) thì hãy trung hòa lại tính cách của mình, đừng để một vài tính cách nhất định chi phối cả con người mình.
- Làm sao để khi trường hợp tương tự xảy ra thì mình không còn cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, hay là đau đớn?
- Làm sao để khi gặp tình huống tương tự, mình không còn có suy nghĩ tiêu cực như thế nữa?
2. Những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực vơi dần đi – Lá thư tha thứ cho người và cho tôi
-
Đối diện với suy nghĩ và cảm xúc của bản thân
Khác với suy nghĩ, viết đòi hỏi một tương tác sâu hơn với trí óc và cảm xúc. Suy nghĩ đơn thuần đến và đi, có thể dễ dàng quên trong vòng vài giờ. Viết thì khác một chút, viết khiến bạn nghĩ chậm hơn và nhớ lâu hơn. Nếu suy nghĩ là cuộc hội thoại ngắn với bản thân; thì viết như là cuộc trò chuyện nghiêm túc, sâu sắc với bản thân trong một không gian và thời gian yên tĩnh. Có thể hiểu viết là sự gặp gỡ giữa bạn với chính mình. Khi viết bạn đối diện với chính mình; thừa nhận những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Khi một điều gì đó được chú ý đến, được quan sát, được thừa nhận; nó sẽ thôi làm loạn. Cảm xúc và suy nghĩ của con người cũng thế. Khi bạn cố gắng lảng tránh chúng, chúng sẽ liên tục khuấy động bạn, làm bạn khó chịu để có được sự chú ý của bạn. Một khi bạn thừa nhận cảm xúc của mình, cảm xúc ấy sẽ vơi đi. Khi bạn quan sát và chú ý đến suy nghĩ của mình, suy nghĩ ấy sẽ không thể ẩn nấp và không có cơ hội quấy rầy tâm trí bạn.
-
Sự thừa nhận giải quyết mọi nút thắt
Trong quá trình chữa lành vết thương, viết giúp bạn có cơ hội đối diện trực tiếp với bản thân. Có nghĩa là bạn đối diện trực tiếp với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Khoảnh khắc cả hai gặp nhau chính là khoảnh khắc bạn thừa nhận sự tồn tại của chúng. Khi đối diện với nỗi đau, nỗi đau sẽ vơi bớt đi. Bạn sẽ bớt ghét ai đó nếu bạn thừa nhận bạn ghét họ. Bạn cũng sẽ dễ dàng tha thứ cho một người khi bạn thừa nhận rằng mình hận họ. Hãy viết ra những tiêu cực trong lòng và thừa nhận sự tồn tại của chúng. Hãy để chúng được tồn tại cùng bạn. Bạn không phản kháng và chống lại chúng thì chúng sẽ cảm thấy chán và tự biến mất.
Và điều tuyệt vời nhất đó chính là viết có thể thay đổi hiện tại. Thật sự là như vậy. Khi bạn đã tự mình đi qua quá khứ, xếp lại những mảnh vụn vỡ và nhặt lại những điều tích cực. Hãy kết thúc nó bằng câu thần chú “Tôi chọn buông bỏ quá khứ và mở lòng để đón nhận sự thay đổi mới trong cuộc sống của mình”. Câu thần chú đó sẽ giúp cho quá khứ được tan biến và đưa bạn trở về với hiện tại. Hiện tại là thời khắc tốt nhất để đón nhận những điều mới đến với cuộc sống của mình.
Cách viết: Viết lá thư gửi cho mình hoặc cho người đã làm tổn thương bạn
Quá khứ không thể thay đổi, vậy nên đừng chống lại quá khứ. Hãy đối diện với những gì đã xảy ra. Có những người vẫn ôm nỗi căm hận tới cuối cuộc đời. Trong khi họ không biết rằng, ôm những cảm xúc tiêu cực lại là điều tồi tệ nhất mà họ có thể làm với bản thân, chỉ vì lỗi lầm của người khác. Điều lẽ ra nên làm là yêu lấy chính bản thân mình, một trong số đó là học cách buông bỏ .
Vì vậy nếu bạn vẫn mang theo sự thù hận với ai đó hay với chính bản thân mình, hãy viết một bức thư gửi đến họ/ đến mình. Hãy viết hết nỗi lòng mình. Hãy giãi bày tất cả những gì bạn muốn. Viết xong, hãy đốt nó đi. Ngọn lửa sẽ mang đi những cảm xúc tiêu cực và nhẹ nhàng làm dịu đi vết thương trong lòng bạn.
3. Củng cố niềm tin vào một hiện tại tốt đẹp – Nhật ký biết ơn/ Bài văn mô tả cuộc sống mơ ước
Cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi ý thức và tiềm thức. Ý thức biết suy nghĩ, phân tích, đánh giá và lập luận. Ý thức được dùng để đưa ra quyết định hàng ngày. Tiềm thức không có khả năng phân tích, lập luận, hay quyết định. Tiềm thức có nhiệm vụ thực thi những quyết định của bạn. Những gì được bạn lặp đi lặp lại ở ý thức sẽ đi vào tiềm thức và được thực hiện.
-
Hạt giống trong cuốn sổ nhật ký
Một ví dụ dễ hiểu hơn, giả sử bộ não của bạn là một khu vườn. Việc quyết định sẽ gieo trồng hạt mầm nào là công việc của ý thức, tiềm thức chính là mảnh đất màu mỡ của khu vườn. Dù bạn gieo hạt giống nào, kể cả tốt hay xấu, tiềm thức sẽ cho hạt giống ấy nảy mầm.
Nếu bạn gieo cho mình những suy nghĩ tiêu cực, tiềm thức sẽ trả lại bằng những kết quả tiêu cực hiện hữu trong cuộc sống của bạn. Điều này lặp đi lặp lại khiến bạn tin rằng cuộc đời mình là một vũng bùn đen. Ngược lại, nếu bạn gieo cho mình suy nghĩ tích cực, suy nghĩ thành công và giàu có, tiềm thức sẽ bằng mọi cách mang tới những cơ hội, sự sáng suốt trong suy nghĩ và hành động, để bạn đạt được tương lai tích cực như bạn mong muốn. Kết quả là, niềm tin vào tương lai tươi đẹp, vào bản thân sẽ được củng cố ngày càng vững chắc.
Vậy nên những lời biết ơn cho cuộc sống hiện tại và những lời cầu nguyện cho tương lai tươi sáng trong nhật ký của bạn chính là chìa khóa đưa bạn đến những điều tốt lành hơn. Nó dẫn lối cho bạn đi vào vòng xoay của những điều tuyệt diệu, và giải thoát bạn khỏi vòng quay luẩn quẩn đen tối.
Cách viết: Viết những điều tốt đẹp bạn biết ơn và muốn có
Hãy viết những điều mà bạn biết ơn ngày hôm nay. Bạn càng tìm ra những điều tích cực trong cuộc sống thì cuộc sống sẽ càng đem cho bạn thêm những điều diệu kỳ. Bạn càng biết ơn nhiều, bạn chỉ càng nhận lại được phúc lành nhiều hơn.
Đồng thời hãy viết những gì bạn muốn có trong cuộc đời này. Hãy viết rằng bạn đã có chúng, những thứ tuyệt vời nhất bạn hằng ao ước. Hãy mô tả chi tiết về cuộc sống mơ ước của bạn, và mô tả cả bản thân trong cuộc sống ấy.
Xem thêm: Biết ơn trong nghịch cảnh
Kết luận
Viết nhật ký không giống như viết lách bình thường. Nó không đòi hỏi sự sáng tạo, không tốn quá nhiều thời gian, và không cần tuân theo một khuôn mẫu hoặc chủ đề cụ thể. Viết nhật ký là cuộc trò chuyện giữa bạn với chính mình. Bạn có cơ hội đối diện với chính mình, thừa nhận bản thân mình, và hiểu rõ mình hơn. Những vết thương từ đó mà cũng được chữa lành. Có nhiều cách viết nhật ký khác nhau, bạn có thể áp dụng vào từng thời điểm khác nhau trên hành trình của mình để đạt hiệu quả tốt nhất. Nhưng cũng không cần gò bó bản thân mình trong những cách viết nhật ký đã được đề cập ở trên, bạn có thể viết theo kiểu mình thích.
Ngay lúc này bạn có thể thử viết gì đó cho chính mình. Hãy cất điện thoại sang một bên và thử viết vài dòng cho bản thân. Chúc bạn có cuộc gặp gỡ tuyệt vời với chính mình.