Vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi
Mie
author
Nỗi sợ bị bỏ rơi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ của bạn. Nếu mang nỗi sợ này, bạn có thể tham khảo các cách sau để vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi.
1. Chấp nhận bản thân không quan trọng
Đôi lúc trong một vài mối quan hệ chúng ta cần chấp nhận sự thật bản thân không quan trọng như chúng ta nghĩ. Điều đó không phải chúng ta là người thừa, là kẻ chen chân hay vô dụng. Mà đơn giản chúng ta chỉ là những người bình thường, chân thành đối với họ. Chứ không cần trở thành một người thực sự quan trọng. Đừng mong muốn mình phải là một người đặc biệt, một người vô cùng quan trọng đối với ai đó. Người quan trọng nhất đối với họ chắc chắn là họ. Xếp sau đó là những người, những việc mà họ cảm thấy cần có được trong đời họ. Nếu bạn không phải là người họ rất cần, chẳng sao cả. Hãy bình thường hóa chuyện này.
Học cách chấp nhận sẽ khiến cho tâm hồn cảm thấy được nhẹ nhõm, bình yên hơn. Bạn không còn phải cố gắng gồng mình để trở thành người đặc biệt trong mắt ai đó. Cũng không cần phải quá níu kéo một ai đó vì nghĩ họ quan trọng với mình. Bạn sẽ cảm thấy sự hiện diện của họ trở nên bình thường hơn, không đến mức khiến mình phải lo lắng. Như vậy giúp cho bạn không còn cảm thấy sợ hãi khi họ rời đi nữa. Từ đó, bạn có thể vượt qua được nỗi sợ bị bỏ rơi bên trong mình.
2. Lựa chọn các mối quan hệ
Thực tế thì trong tình bạn hay tình yêu, chỉ cần chúng ta tỉnh táo một chút là sẽ nhận ra ai thực sự tốt với mình. Có những người đến với bạn vì mục đích xấu không thật lòng với bạn. Vì họ biết bạn sợ hãi bị bỏ rơi và họ luôn nắm vào đó lợi dụng bạn. Một người bạn chân thành sẽ không bao giờ đòi hỏi bạn phải giúp đỡ họ. Hay một tình yêu thực sự sẽ không vì khó khăn mà bỏ rơi nhau.
Thay vì đau khổ cho những mối quan hệ không đáng, sao bạn không thử chắt lọc lại mối quan hệ. Loại bỏ đi những người bạn tồi, những người họ hàng xấu tính hay những tình yêu chóng vánh. Xây dựng lại những mối quan hệ bạn bè mới, kết giao với những người bạn mới và xem họ có thực sự tốt với mình không.
Nếu có, hãy đối xử thật tốt và trân trọng họ. Bạn sẽ không còn cảm giác sợ hãi vì bị bỏ rơi. Vì bạn đã trở nên chủ động hơn trong các mối quan hệ của mình. Bạn biết ai xứng đáng ở lại và ai nên rời đi. Bạn cũng cảm thấy an toàn hơn trong những mối quan hệ tốt đẹp bạn xây dựng nên.
3. Chia sẻ với đối phương
Chân thành và mở lòng luôn là yếu tố quan trọng để duy trì mối quan hệ lâu dài. Nếu bạn đang cảm thấy bất an, lo lắng về điều gì đó hãy đừng ngần ngại chia sẻ. Có một cuộc trò chuyện nghiêm túc khi cả hai cùng ngồi xuống và nói chuyện với nhau. Trao đổi với đối phương cảm giác của bạn và lắng nghe ý kiến từ đối phương. Hãy mạnh dạn chia sẻ những cảm nghĩ của mình, vì sao mình lại lo lắng bị bỏ lại trong mối quan hệ hiện tại. Sự trao đổi rõ ràng sẽ giúp cho bạn nhẹ lòng hơn, và đối phương cũng có cơ hội hiểu bạn.
Nếu họ thông cảm và thấu hiểu thì cả hai hãy cùng nhau tìm ra cách giải quyết. Còn nếu họ bảo thủ và cho rằng bạn đang làm quá mọi chuyện lên, thì bạn nên chấm dứt mối quan hệ này. Vì cảm xúc của mọi người đều cần được tôn trọng như nhau. Khi bạn đã dám chia sẻ, bạn đã dũng cảm hơn rất nhiều rồi.
4. Yêu thương bản thân nhiều hơn
Nhiều người sợ bị bỏ rơi, bởi vì họ sợ không còn ai yêu thương mình nữa. Tình trạng này xuất phát từ việc họ chưa thể tự yêu thương chính mình. Những kẻ không thể yêu thương mình luôn mong chờ người khác yêu thương mình. Vậy nên việc quan trọng nhất bạn cần làm là yêu thương bản thân mình. Hãy xây dựng hạnh phúc của riêng mình, một kiểu hạnh phúc mà không cần có ai xúc tác vào. Những chuyên gia gọi đó là hạnh phúc tự thân. Khi bạn có thể xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, bạn không quá cần ai bên cạnh làm chỗ dựa cho “hạnh phúc” của mình. Hơn thế nữa, bạn còn có thể lan tỏa hạnh phúc đến những người xung quanh.
5. Xây dựng tính độc lập
Sự phụ thuộc thường làm con người ta bất an và sợ hãi. Họ sợ nếu bị bỏ lại một mình họ sẽ không còn chỗ dựa, họ sẽ chơi vơi và không thể sống được. Để có thể dẹp bỏ nỗi sợ bị bỏ rơi, bạn cần trở nên độc lập, tự chủ. Tính độc lập không có nghĩa là bạn sẽ cô độc. Chỉ đơn giản là bạn không cần phụ thuộc vào ai cả, bạn chỉ đồng hành cùng họ. Nếu họ rời bỏ bạn, bạn vẫn có thể sống tốt. Bạn vẫn bước tiếp trên đường đời, chỉ là không còn họ bên cạnh, có thể sẽ có người mới đến và đồng hành cùng bạn.
Và chẳng may nếu có một khoảng thời gian nào đó, bạn không có ai bên cạnh, bạn cũng đừng cảm thấy cô đơn hay cô độc. Một mình không phải là cô đơn hay điều gì đáng sợ. Một mình là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn nhìn nhận, chiêm nghiệm và thấu hiểu bản thân mình. Một mình cũng là lúc bạn tỉnh táo để suy nghĩ và đưa ra những quyết định quan trọng cho bản thân mình. Hãy tận hưởng những khoảng thời gian chỉ thuộc về bạn. Tận hưởng những lúc bạn chỉ thuộc về chính mình. Đó chính là sự đa dạng màu sắc của cuộc sống. Có lúc bạn một mình, có lúc bạn có một hoặc nhiều người bên cạnh.
6. Chấp nhận sự đến và sự đi
Để vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi, bạn cần chấp nhận sự rời đi của người khác, và xem nó là một chuyện hoàn toàn bình thường.
Bất kỳ ai cũng cần hiểu rằng trong cuộc đời mình sẽ có người đến kẻ đi, không thể nào níu kéo một người không thuộc về mình. Cũng như cách mình đến và rời đi khỏi cuộc đời một ai đó. Tất cả là sự di chuyển không ngừng của vũ trụ. Không gì là cố định. Mọi thứ đều xoay chuyển sao cho phù hợp với sự phát triển và tiến hóa.
Một người đến bên mình là vì họ phải đến, để trao cho mình điều gì đó. Một người rời đi khỏi mình là vì họ phải đi, họ đã hoàn thành những gì họ cần phải làm. Sẽ có rất nhiều người đến bên bạn vào mỗi thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Và sẽ có nhiều người rời khỏi bạn vào những thời điểm thích hợp khác nhau. Chính sự níu kéo làm cho chúng ta đau khổ. Chính việc không chấp nhận làm cho chúng ta sợ hãi và bất an.
Hãy để những gì đến cứ đến, những gì đi cứ đi. Như lúc ta đến và rời khỏi một nơi nào đó. Thật tự nhiên và không vướng bận.
7. Tư vấn tâm lý
Để chữa lành nỗi sợ bị bỏ rơi là cả một quá trình dài cần sự quyết tâm và kiên trì. Đặc biệt là đối với những người đã từng bị tổn thương nhiều lần và có quá nhiều chấp niệm. Do đó, việc gặp gỡ một chuyên gia tâm lý có thể giúp ích cho bạn. Khi bạn cảm thấy mình có dấu hiệu bất ổn trong tâm lý đừng ngần ngại mà hãy tìm kiếm sự trợ giúp.
Những chuyên gia tâm lý đóng vai trò như một người bạn luôn lắng nghe mọi chia sẻ, tâm sự của bạn. Từ đó đi sâu vào phân tích đời sống nội tâm và những lý do khiến bạn cảm thấy không ổn. Các liệu pháp phù hợp cũng sẽ được đưa ra nhằm giúp bạn cải thiện tinh thần một cách tốt nhất.
Hoặc nếu bạn chỉ cần một người sẵn sàng lắng nghe những ấm ức của bạn, các chuyên gia cũng sẽ làm điều đó. Việc giãi bày hết nỗi lòng của mình cũng sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng và thoải mái hơn được phần nào. Vì vậy, đừng ngại đi tư vấn tâm lý nhé.
Kết
Có một câu nói rất hay rằng “Nếu nút thắt trong lòng không thể gỡ được, vậy hãy buộc nó thành chiếc nơ xinh”. Cảm giác sợ bị bỏ rơi thực sự không dễ chịu một chút nào. Nhưng dù vậy bạn vẫn nên tin mọi tổn thương đều sẽ được giải mã và chữa lành. Chỉ cần bạn thực sự mở lòng và đón nhận. Nếu bạn muốn được chia sẻ nhiều hơn những tâm sự của mình có thể liên hệ Healing 1-1 tại Khu vườn Molly.